Lào Cai tập trung phát triển du lịch cộng đồng gắn với Chương trình OCOP
Dân tộc thiểu số chiếm 64% dân số toàn tỉnh Lào Cai. Mỗi dân tộc đều có tiếng nói, phong tục tập quán, văn hoá riêng, là nguồn tài nguyên văn hóa quan trọng để phát triển thu hút khách du lịch.
Thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai cho biết, nhận thức phát triển du lịch cộng đồng không chỉ hướng tới mục tiêu xóa đói, giảm nghèo mà còn tạo điều kiện cho người dân tham gia trực tiếp vào quá trình bảo vệ, gìn giữ và tôn tạo cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái, Lào Cai là một trong những tỉnh đầu tiên của Việt Nam áp dụng mô hình phát triển du lịch cộng gắn với xoá đói, giảm nghèo cho cộng đồng các dân tộc thiểu số từ rất sớm.
Để phát triển du lịch nói chung và du lịch công đồng nói riêng, trong giai đoạn 2016-2020 Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Đề án “phát triển du lịch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 - 2020”, trong đó tập trung “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới”. Sau quá trình triển khai Đề án, tỉnh đã thu được nhiều kết quả đáng kể, các cơ sở lưu trú tại gia và khách du lịch ngày càng tăng cao.
Bức tranh văn hoá đa dạng, giàu bản sắc là nguồn tài nguyên văn hóa quan trọng để tỉnh Lào Cai phát triển thu hút khách du lịch. Ảnh: Ngô Dương |
Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018-2020, tỉnh Lào Cai đã ban hành Quyết định số 2997/QĐ-UBND ngày 28/9/2018 về phê duyệt Đề án “Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Lào Cai giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030”. Tính nay, tỉnh Lào Cai đã có 92 sản phẩm được công nhận OCOP của 52 doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình trên địa bàn 44 xã, phường, thị trấn. Các sản phẩm thuộc đủ 6 nhóm ngành là thực phẩm, đồ uống, thủ công mỹ nghệ trang trí, vải may mặc, dược liệu và Dịch vụ du lịch và bán hàng, trong đó có 23 sản phẩm 4 sao và 69 sản phẩm 3 sao. Số lượng sản phẩm được chứng nhận OCOP đạt 155% mục tiêu Đề án.
Tuy nhiên, trong 92 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, đến nay mới chỉ có 1 sản phẩm duy nhất trong nhóm Du lịch cộng đồng và điểm du lịch tham gia và đạt chứng nhận OCOP đó là "Khu du lịch sinh thái vườn đá Tả Phìn" của hợp tác xã Tả Phìn xanh được xếp hạng 4 sao OCOP. Khu du lịch sinh thái vườn đá Tả Phìn đã được UBND tỉnh Lào Cai quyết định công nhận là điểm du lịch sau khi được công nhận OCOP.
Thực tế hiện nay, việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới vẫn chưa thật sự có chiều sâu, chưa chuyên nghiệp, chưa khai thác hết tiềm năng thế mạnh. Phần lớn sản phẩm du lịch cộng đồng chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi, ăn uống, trải nghiệm của du khách ở mức đơn giản, nguồn thu từ dịch vụ du lịch chưa đáng kể. Đặc biệt, việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ phát triển nông nghiệp sang làm du lịch còn chậm, hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng xuống các thôn bản, cơ sở vật chất lưu trú tại gia, công trình vệ sinh chưa đảm bảo, chất lượng nguồn nhân lực làm du lịch còn thấp. Bên cạnh đó, công tác quảng bá du lịch cộng đồng còn hạn chế, chưa kết nối được các dịch vụ du lịch giữa các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh với các đơn vị đưa khách đến vì vậy lượng khách sử dụng dịch vụ tại chỗ còn ít, thu nhập của người dân chưa ổn định.
Đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai cho biết, để giải quyết vấn đề này, Tỉnh ủy Lào Cai đã phê duyệt Đề án Phát triển văn hoá, du lịch tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2020 - 2025, trong đó tiếp tục đẩy mạnh phát triển lĩnh vực du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề, cụ thể là xây dựng các trạm dừng chân ngắm cảnh, các điểm trải nghiệm về hoa, cây ăn quả, các trang trại nông nghiệp gắn với các sản phẩm OCOP; Hình thành các sản phẩm du lịch sinh thái nghiên cứu, khám phá trên tuyến du lịch leo núi Fansipan, tham quan rừng già, thác nước.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ hình thành các điểm du lịch sinh thái trải nghiệm nông nghiệp (Farmstay) kết hợp với văn hóa dân tộc; du lịch sinh thái kết hợp trải nghiệm hệ sinh thái rừng khu bảo tồn thiên nhiên; du lịch sinh thái kết hợp với dịch vụ ăn uống nghỉ dưỡng và nuôi cá nước lạnh; du lịch sinh thái trải nghiệm hang động; du lịch trải nghiệm nông nghiệp ứng dụng, trải nghiệm vườn cây ăn quả, sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao; du lịch trải nghiệm vùng trồng dâu nuôi tằm; trải nghiệm vùng sản xuất chè đặc sản… Đối với sản phẩm du lịch gắn với làng nghề, tập trung phát triển thương hiệu sản phẩm thổ cẩm, mây tre đan, thảo dược và dược liệu dưới tán rừng.
Tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh phát triển đồng bộ hệ thống điểm đến du lịch nông nghiệp, nông thôn từ cơ sở vật chất đến hạ tầng kỹ thuật để đảm bảo điều kiện xây dựng sản phẩm du lịch hài hoà, phù hợp với điều kiện của từng vùng miền; khai thác các giá trị ưu thế nổi trội, khác biệt gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của địa phương; nghiên cứu gia tăng giá trị của các sản phẩm du lịch để giữ chân và thu hút chi tiêu, tiêu dùng từ du khách.
Để đạt được những mục tiêu trên, ngoài việc tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, vai trò tham mưu, phối hợp thực hiện của các ngành chức năng, các đoàn thể chính trị xã hội, các địa phương trong triển khai thực hiện Đề án, tỉnh tiếp tục ưu tiên đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa quan trọng; hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch; Nghiên cứu ban hành các chính sách, quy định mới về văn hóa, du lịch.
Tỉnh sẽ đổi mới, đa dạng hóa công tác thông tin, tuyên truyền, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng tuyên truyền, các loại hình tuyên truyền trong triển khai thực hiện Đề án.
Ngô Dương