Lạng Sơn: Hỗ trợ xây dựng cụm thông tin tại cửa khẩu, biên giới
Giảm nghèo bền vững tại Lạng Sơn. (Ảnh: molisa.gov.vn) |
Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững được UBND tỉnh Lạng Sơn thực hiện trong năm 2017 có công tác giảm nghèo về mặt thông tin.
Để hỗ trợ cho các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao và các xã đặc biệt khó khăn, tỉnh Lạng Sơn trang bị bộ phương tiện tác nghiệp cổ động, xây dựng cụm thông tin cơ sở tại các khu vực cửa khẩu, biên giới, trung tâm giao thương hàng hóa, dịch vụ.
Về chất lượng công tác tuyên truyền thông tin nhằm giảm nghèo bền vững, trong năm 2017, 100% cán bộ cấp xã làm công tác thông tin và truyền thông được đào tạo nâng cao kỹ năng nghiệp vụ thông tin, tuyên truyền cổ động.
Lạng Sơn cũng hỗ trợ đào tạo nghề và giáo dục định hướng cho khoảng 5.000 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số, trong đó 10% được đi làm việc ở nước ngoài.
UBND tỉnh xác định sẽ tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận tốt nhất và thụ hưởng đầy đủ cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh về giảm nghèo. Theo đó, các hộ nghèo sẽ có điều kiện tổ chức sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững.
Lạng Sơn cho biết mục tiêu của tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 3%/năm trở lên theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2016-2020. Riêng các huyện, xã nghèo, Lạng Sơn đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo 4%/năm trở lên.
Như vậy, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm còn khoảng 11% vào năm 2020, có trên 27.000 hộ thoát nghèo bền vững, hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo.
Tỉnh cho biết năm 2017 phấn đấu giải quyết cơ bản về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo tiêu chí nông thôn mới, trước hết là hạ tầng thiết yếu như giao thông, điện, nước sinh hoạt, giảm nghèo gắn với bảo đảm an ninh, quốc phòng: Theo đó, thu nhập của hộ gia đình tham gia dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tăng 20% - 25%/năm. Bình quân mỗi năm có ít nhất 15% hộ gia đình tham gia dự án thoát nghèo và cận nghèo.
Để thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, kế hoạch của tỉnh đề ra thực hiện cân đối phân bổ nguồn lực và lồng ghép các chương trình khác để giảm nghèo theo tiếp cận đa chiều.
Bên cạnh đó, Lạng Sơn cũng tạo hành lang pháp lý khuyến khích hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn và giảm nghèo. Tỉnh sẽ huy động nguồn lực cho thực hiện chính sách giảm nghèo thông qua các ngân hàng như Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng Phát triển, Ngân hàng Đầu tư...
Lạng Sơn cũng sẽ tăng cường huy động từ nguồn vốn địa phương và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác trong nước và ngoài nước.
Về mặt chính sách, Lạng Sơn cho biết xây dựng hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, cụ thể hóa các quy định về quản lý, điều hành thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia làm căn cứ triển khai hiệu quả kế hoạch thực hiện các giai đoạn 2017 - 2020.
Tỉnh cũng rà soát, nghiên cứu, thí điểm, xây dựng các cơ chế chính sách hỗ trợ phù hợp với thực tế của địa phương trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia. Từ các cơ chế đó, tỉnh sẽ xây dựng căn cứ khuyến khích, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, giảm nghèo...
Ngoài ra, Lạng Sơn cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai đồng bộ và có hiệu quả các chương trình, đề án, nội dung được lồng ghép, tích hợp vào thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Theo báo cáo của tỉnh, Lạng Sơn hiện có hơn 90 xã vùng đặc biệt khó khăn, 136 xã vùng cao, 21 xã và thị trấn biên giới. Thu nhập của đồng bào chủ yếu từ sản xuất nông, lâm nghiệp, nên tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chiếm gần 70% tổng số hộ dân tộc thiểu số.
Nhờ thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc nên vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh đã có chuyển biến tích cực trong công tác xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.