Làn sóng bác sĩ nghỉ việc: Lương thấp, cơ hội làm việc cũng không có
Lương thấp, chế độ làm việc không còn như trước, không tương xứng với công sức bỏ ra là nguyên nhân chính khiến bác sĩ bệnh viện công chuyển sang bệnh viện tư làm việc.
Trong gần 2 năm qua, ít nhất 857 nhân viên y tế, bác sĩ Hà Nội xin nghỉ việc và xin chuyển công tác.
Tại TP.HCM cũng có làn sóng nhân viên y tế nghỉ việc. Theo thống kê của Sở Y tế TPHCM, trong năm 2021, tổng số nhân viên y tế của bệnh viện công thành phố nghỉ việc là 701 người. Trong đó, điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ sinh là 399 người; bác sĩ 186 người; nhân viên khác 116 người.
Còn bệnh viện tuyến quận, huyện có 235 người nghỉ việc. Trong đó, bác sĩ 57 người; điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ sinh là 117; khác là 61 người.
Trung tâm Y tế quận, huyện 137 người nghỉ việc. Trong đó, bác sĩ 27 người; điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ sinh là 44 người; khác là 72 người.
Tại BVĐK Thống Nhất, Đồng Nai hiện có 1.255 cán bộ, nhân viên, trong đó có 267 bác sĩ, 400 điều dưỡng. Trước áp lực công việc quá lớn mà thu nhập lại thấp, bệnh viện đã và đang phải đối mặt với khó khăn rất lớn là bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên xin nghỉ việc.
Từ tháng 1/2021 đến nay, toàn bệnh viện có 114 viên chức, người lao động (trong đó có 34 bác sĩ, 42 điều dưỡng, 38 nhân viên) thôi việc, bỏ việc. Hiện tại có 10 bác sĩ, điều dưỡng, cử nhân đang xin nghỉ việc nhưng bệnh viện chưa giải quyết. Ngoài ra, có 13 người khác đang xin nghỉ không lương; 6 người xin chuyển công tác.
Ảnh minh họa. |
Theo TS. Phạm Văn Dũng - Giám đốc BVĐK Thống Nhất, Đồng Nai, các y, bác sĩ, nhân viên xin nghỉ việc phần lớn là do không chịu nổi áp lực công việc quá lớn mà thu nhập lại thấp, không đủ trang trải cuộc sống gia đình.
Vấn đề cán bộ, nhân viên y tế xin nghỉ việc do thu nhập thấp không phải chỉ diễn ra trong năm 2021 mà đã diễn ra từ nhiều năm nay tại các bệnh viện công lập hạng I của tỉnh Đồng Nai.
Theo ông Phạm Văn Học – Chủ tịch hội đồng quản trị Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương Phú Thọ, làn sóng bác sĩ rời bệnh viện công, chuyển dịch sang khối bệnh viện tư là điều dễ hiểu trong bối cảnh hiện nay.
Theo ông Học, có ba nguyên nhân dẫn tới tình trạng bác sĩ nghỉ tại bệnh viện công:
Thứ nhất là thu nhập: Hiện nay, thu nhập của bác sĩ tính theo bậc lương nhà nước từ 2,34 và cứ 3 năm được tăng một bậc. Bác sĩ thu nhập loanh quanh khoảng 10 triệu. Một vài bệnh viện có thu nhập tăng thêm thì thu nhập bác sĩ tăng lên có thể 10 triệu, 20 triệu đồng. Nếu công chức, viên chức khó có thể duy trì mức sống của gia đình với mức lương hiện tại mà người ta vẫn nhận được khoản phụ cấp tăng thêm.
Trước đây cơ chế quản lý còn lỏng thì các bệnh viện còn có nhiều cách tăng thu nhập cho bác sĩ cao hơn. Bác sĩ có các khoản thu nhập ngoài lương. Nhưng hiện tại, cơ chế khác, sợ sai nên người ta đã không có các biện pháp để tăng thu nhập và thu nhập trở về mức trần là theo bậc lương.
Thứ hai, bác sĩ ngoài thu nhập thì họ còn có nhu cầu làm việc. Nghề y khác với nghề khác, bác sĩ phải tự rèn luyện, nghiên cứu. Nếu bác sĩ muốn điều trị thì thuốc hết, muốn mổ cho người bệnh thì hết vật tư.
Thứ ba, sự an toàn về mặt pháp lý hiện nay trong bệnh viện công động vào điều gì cũng sai. Hiện chưa có bảng chuẩn nào cho bác sĩ. Luật Khám chữa bệnh năm 2009 với 92 điều nhưng không có điều nào nói về xã hội hóa, liên doanh liên kết, không có điều nào về đấu giá đầu thầu, tài chính y tế.
Như vậy, cả ngành y tế đang làm việc không dựa vào căn cứ nào. Hiện chưa có luật nào điều chỉnh tài chính trong môi trường y tế, không có luật nào điều chỉnh hành vi của nhân viên y tế khi tham gia vào các hoạt động tài chính liên quan tới khám chữa bệnh.
Vì vậy, nếu chúng ta coi đó là cơ chế thị trường thì hoàn toàn bình thường nhưng áp luật vào thì thành sai.
Ông Học cho rằng khi lương không đảm bảo, cơ hội phát triển tay nghề, trong môi trường làm việc lúc nào cũng lo sai nên nhân viên y tế có sự dịch chuyển cũng là điều hoàn toàn đúng.
Khánh Chi