Làm việc online khó chịu vì chồng suốt ngày đòi 'chuyện ấy'
Vì dịch Covid-19, hai vợ chồng cùng làm online tại nhà nhưng chị H. rất khó tập trung vì ngày nào chồng cũng đòi hỏi 'chuyện ấy', có ngày tới 2,3 lần.
Sợ chồng nghiện tình dục
Chị Nguyễn Xuân H., 26 tuổi, Hà Nội chia sẻ hai vợ chồng chị cưới nhau được 2 năm, có một bé trai hiện đang sống cùng ông bà ở quê Bắc Ninh. Dịch xảy ra ở Bắc Ninh, hai vợ chồng chị H. được làm việc tại nhà nhưng cũng không thể về thăm con.
Suốt thời gian làm tại nhà, chị H. tâm sự chị cảm thấy vô cùng mệt mỏi chỉ vì chồng như người nghiện 'chuyện ấy'. Căn nhà bỗng trở nên ngột ngạt, chật chội vì chồng luôn đòi hỏi trong khi công việc của chị H. rất bận rộn. Đã nhiều việc bù đầu phải tập trung, chị thấy rất khó chịu khi chồng nhàn rỗi hơn và hay 'gợi ý'.
Vì áp lực công việc và tâm lý bực bội do anh quá đà nên với chị 'chuyện ấy' không còn thăng hoa mà như cực hình. Nhưng chị từ chối thì chồng giận dỗi, khó chịu. Nếu vợ đồng ý thì anh lại vui vẻ.
Chị H. lo lắng lên mạng tìm kiếm thông tin làm gì để giảm nhu cầu của chồng, bởi còn làm việc ở nhà lâu cộng thêm nhà vắng con, chỉ hai vợ chồng, vấn đề càng khó giải quyết.
Chị Ngọc M. trú tại Thái Bình tâm sự mỗi lần đi làm về là chị lại sợ về nhà bởi vì chồng chị nhìn thấy vợ là muốn “chuyện ấy”. Ngày nghỉ cuối tuần là ngày chị ngại nhất, nhiều khi chị thích đi làm hơn ở nhà.
Chị M. ám ảnh lo lắng không biết có phải mình lấy phải một người chồng bị bệnh nghiện chuyện ấy hay không.
Ảnh minh họa. |
Không phải cứ thích nhiều là nghiện tình dục
Theo bác sĩ Lê Thị Kim Dung – phòng khám sản và nam khoa, Trung tâm Y tế lao động Thái Hà, Hà Nội, nghiện tình dục không phải là hiện tượng hiếm. Người ta ước tính có khoảng 8% nam giới và 3% nữ giới mang bệnh này. Đó là những người có cường độ tình dục cao bất thường hoặc có ham muốn thái quá không thể kiểm soát nổi, đến mức trở thành một dạng bệnh lý.
Đối với những trường hợp trên, bác sĩ Dung cho biết chị H và chị M có thể trao đổi trò chuyện với chồng mình. Nếu chồng thay đổi, kiềm chế thì đó không phải là nghiện tình dục.
Khi vợ trò chuyện với chồng, nói những suy nghĩ, cảm xúc mà người vợ phải chịu đựng, áp lực từ việc chồng đòi hỏi quá nhiều… chồng thay đổi thì đó không phải là bệnh lý .
Việc giãn cách, làm việc online ở nhà nhàm chán thì hai vợ chồng có thể chọn các công việc khác giúp mình trở thành người bận rộn, có nhiều bạn bè chia sẻ các thú vui lành mạnh ngoài công việc, dọn dẹp nhà cửa. Lúc đó, người chồng cũng không còn thời gian mà nghĩ tới 'chuyện ấy'.
Tình dục là nhu cầu bình thường của con người. Người trưởng thành biết kiềm chế cảm xúc, biết phân biệt được nhu cầu chuyện ấy, điểm dừng còn người nghiện tình dục thì khác.
Những người bị nghiện tình dục họ thường trực có suy nghĩ đến tình dục, suy nghĩ có xu hướng thống trị suy nghĩ của những người nghiện tình dục, khiến họ khó tập trung làm việc hoặc có các mối quan hệ cá nhân lành mạnh. Mỗi lần nhìn thấy người khác giới họ sẽ không kiểm soát được nhu cầu ham muốn của mình – BS Dung cho biết.
BS Dung cho biết những người nghiện tình dục sẽ phải điều trị. Mặc dù khó khăn nhưng nghiện tình dục hoàn toàn có thể chữa khỏi và được điều trị trong chuyên khoa tâm thần. Việc “cai nghiện” cũng giống như cai rượu, thuốc lá thậm chí còn khó hơn.
K.Chi