Làm sao để xây dựng môi trường giáo dục không khói thuốc?
Không khó để bắt gặp tình trạng thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên hút thuốc lá trong các quán net, quán trà đá vỉa hè, quán cà phê hay trong giờ nghỉ giải lao giữa các tiết học... Không chỉ ở nơi công cộng, mà ngay cả ở nhà, các thanh, thiếu niên cũng vô tư hút thuốc lá, nhả khói...
Những học sinh, sinh viên này hút thuốc vì nghĩ đó là một trò tiêu khiển vô hại, để khẳng định bản thân, học đòi, chứng tỏ sự trưởng thành, để thỏa sức tò mò... Nhưng, các em đâu có biết rằng, với thể chất còn non nớt, đang phát triển của các em, thuốc lá có sức tàn phá mạnh mẽ. Bởi, thuốc lá có thể gây ung thư, ảnh hưởng tới toàn bộ hệ thần kinh, mạch máu, nội tiết, tim mạch, đột quỵ và rất nhiều loại bệnh khác.
Tăng cường tuyên truyền phòng chống tác haijc ủa thuốc lá (ảnh minh họa) |
Một trong những yếu tố dẫn đến tình trạng hút thuốc lá ở học sinh ngày càng cao là do môi trường sống. Các em học sinh, sinh viên tâm lý chưa vững vàng nên dễ bị bạn bè lôi kéo, hoặc do hoàn cảnh gia đình, do tò mò... mà các em hút thuốc lá. Cùng với đó, các em còn có thể dễ dàng mua được thuốc lá ở bất cứ nơi nào có người bán; sự quản lý lỏng lẻo của gia đình và nhà trường khi chưa quan tâm đúng mức và có biện pháp kịp thời khi trẻ hút thuốc...
Có thể thấy rằng, việc quá dễ dàng mua được thuốc lá là nguyên nhân chính làm gia tăng tình trạng hút thuốc lá ở lứa tuổi học sinh. Các em cứ hút thuốc với ý nghĩ coi đó là một thú vui tiêu khiển, để chứng tỏ sự trưởng thành, khẳng định cái tôi bản thân, để học đòi hay thỏa sức tò mò.
Hiện nay, trong các trường học đều nghiêm cấm việc học sinh sử dụng thuốc lá và các cơ sở kinh doanh không được bán thuốc lá phía ngoài cổng trường. Cùng với đó, nhiều hoạt động nhằm đẩy lùi tình trạng học sinh hút thuốc lá đã được tổ chức như: Thông qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa, chào cờ, sinh hoạt lớp, các hoạt động tuyên truyền được đẩy mạnh để giúp các em học sinh hiểu được những tác hại và cách bỏ thuốc lá.
Tuy nhiên, để các em học sinh có ý thức nói không với thuốc lá, các gia đình cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường để ngăn chặn tình trạng con em mình hút thuốc lá, các bậc cha mẹ thường xuyên quan tâm, quản lý con em mình, người lớn cần làm gương không nên vô tư hút thuốc trước mặt con cái.
Để giảm thiểu tỷ lệ học sinh hút thuốc lá, ngoài sự phối hợp tích cực giữa nhà trường và gia đình, cần hơn nữa sự vào cuộc của các sở, ban ngành và các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tăng cường quản lý cửa hàng buôn, bán thuốc lá tại các địa điểm quanh trường học, cần xử lý nghiêm các hành vi bán thuốc lá cho học sinh.
Còn theo TS. Nguyễn Xuân Sang – Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ và Thương mại Hà Nội, để đẩy lùi nạn thuốc lá trong môi trường học đường thì trước hết mỗi cán bộ, giảng viên phải là một tấm gương không sử dụng và là một tuyên truyền viên để mọi người thấy được tác hại của thuốc lá.
Việc nêu gương là quan trọng nhất do thực tế tại nhiều trường thì tỷ lệ cán bộ, giáo viên hút thuốc vẫn còn cao, hút công khai nên khó giáo dục học sinh, sinh viên thực hiện.
Nếu cán bộ và sinh viên tiếp tục hút thuốc trong trường nhà trường sẽ có nhiều biện pháp xử phạt theo thẩm quyền như xem xét trong thi đua khen thưởng, đề bạt, nâng lương đối với cán bộ; đối với sinh viên là xem xét kết quả rèn luyện, chấp hành nội quy quy định của nhà trường. Ngoài ra có thể áp dụng mức phạt được nhà nước quy định và cho phép để đảm bảo tính răn đe.
Đồng thời, để đẩy lùi tình trạng hút thuốc lá hiện nay thì phải có quy định xử lý rõ ràng và nghiêm minh, có cơ chế giám sát. Các tổ chức trong trường học cũng phải chung tay coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục tạo nên ý thức trong mỗi cán bộ, giảng viên, HSSV thì mới có thể dần dần xây dựng được môi trường học đường không khói thuốc lá.