Làm sao để ngành du lịch đóng góp trên 10% GDP?
45 tỷ USD thu từ khách du lịch mỗi năm
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn”.
Mục tiêu cơ cấu lại ngành du lịch nhằm khai thác tối đa lợi thế về sản phẩm, thị trường, các nguồn lực, hệ thống quản lý ngành, nâng cao hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam, lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc; phấn đấu là quốc gia trong nhóm nước có ngành du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Đề án phấn đấu đến năm 2025 tổng thu từ khách du lịch đạt 45 tỷ USD, giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 27 tỷ USD, ngành du lịch đóng góp trên 10% GDP; tạo ra 6 triệu việc làm, trong đó có 2 triệu việc làm trực tiếp; nâng dần tỷ lệ lao động trực tiếp phục vụ du lịch được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ và kỹ năng đạt 70%; đón và phục vụ 30 - 32 triệu lượt khách du lịch quốc tế, trên 130 triệu lượt khách du lịch nội địa.
Hệ thống sản phẩm du lịch hình thành rõ nét, đặc sắc, đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và có thương hiệu, nhất là tại các khu vực động lực phát triển du lịch; năng lực đón tiếp tại các khu, điểm du lịch được nâng cao, đặc biệt trong các khu du lịch phức hợp quy mô lớn; du lịch thông minh được áp dụng rộng rãi; từng bước cải thiện năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
Phấn đấu đến năm 2025 tổng thu từ khách du lịch đạt 45 tỷ USD,giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 27 tỷ USD, ngành du lịch đóng góp trên 10% GDP. |
Phát triển các sản phẩm du lịch mới
Để đạt được những mục tiêu trên, trong thời gian tới, ngành du lịch sẽ tập trung khai thác các thị trường khách du lịch có khả năng chi trả cao, nghỉ dưỡng dài ngày; đẩy mạnh thu hút phân khúc thị trường khách du lịch theo một số loại hình du lịch chuyên đề mà Việt Nam có lợi thế như:
Du lịch cộng đồng, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch sự kiện, hội nghị, hội thảo (MICE), du lịch golf, du lịch ẩm thực; ưu tiên phát triển những sản phẩm du lịch có giá trị gia tăng cao và tăng cường trải nghiệm của khách du lịch.
Tiếp tục phát triển mạnh các dòng sản phẩm du lịch chủ đạo có lợi thế về tự nhiên và văn hóa, gắn với các khu vực động lực phát triển của du lịch Việt Nam; phát triển các sản phẩm du lịch mới, có tiềm năng như các sản phẩm du lịch sáng tạo, du lịch chuyên đề, du lịch mua sắm, du lịch cộng đồng.
Cơ cấu lại doanh nghiệp du lịch theo hướng khuyến khích các doanh nghiệp du lịch quy mô lớn, có thương hiệu trong và ngoài nước phát triển thành lực lượng nòng cốt, giữ vai trò định hướng phát triển sản phẩm, thị trường du lịch, đặc biệt là các sản phẩm du lịch cao cấp, có giá trị cao;
Tập trung phát triển số lượng lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ gia đình, tăng cường tính kết nối trong chuỗi giá trị du lịch; thúc đẩy phát triển các mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp du lịch ứng dụng công nghệ thông tin, du lịch thông minh, du lịch sáng tạo, du lịch cộng đồng; xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, hệ thống doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch chuyên nghiệp, hiện đại, có năng lực cạnh tranh cao đáp ứng yêu cầu của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế...
Tại Diễn đàn cấp cao về du lịch trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (ViEF) diễn ra tại Hà Nội ngày 06/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng câu hỏi lớn nhất của du lịch Việt Nam là làm sao duy trì được tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế như mấy năm qua, thậm chí còn phải tăng nhanh hơn nữa.
"Tuy nhiên, giữ được tốc độ này cũng là khó bởi vì tăng trưởng đến ngưỡng nào đó thì có những hạn chế mà chỉ riêng ngành du lịch không thể giải quyết được, và ngay cả có sự phối hợp của các ngành cũng không thể giải quyết được trong 1-2 năm. Ví dụ vấn đề về sân bay, hàng không, chưa kể đến các hạ tầng khác như đường sắt, đường bộ, đường biển, nhưng nếu vì thế mà chấp nhận và có sự chững lại thì vô cùng nguy hiểm" - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Du lịch thúc đẩy các ngành khác phát triển
Theo Phó Thủ tướng, đây là những vấn đề, rào cản lớn cần tiếp tục có những nghiên cứu sâu, dành nhiều thời gian tháo gỡ. Đồng thời bảo đảm duy trì tốc độ tăng trưởng cho du lịch bằng những giải pháp thiết thực, ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin để xử lý những vấn đề trước mắt như kinh phí quảng bá du lịch hạn hẹp, thiếu đội ngũ hướng dẫn viên, kết nối các điểm đến, cơ sở lưu trú, đi lại, mua sắm…
Khẳng định vị trí của du lịch trong nền kinh tế chung, Phó Thủ tướng đặt vấn đề làm sao để kinh tế du lịch không chỉ phát triển cùng và phải nhận vai trò tiên phong, góp phần thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển nhanh hơn.
Ví dụ được Phó Thủ tướng đưa ra là khi du lịch nông nghiệp làm tốt sẽ thúc đẩy toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh tại vùng đó sẽ theo hướng sạch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của đất nước cũng được trợ giúp. Hoặc việc đẩy du lịch cộng đồng không chỉ giúp người nghèo miền núi tăng thu nhập, mà điều quan trọng là mang thế giới đến ngay tận gia đình những người nông dân, có tác động tích cực đến các em nhỏ, thậm chí thay đổi tương lai của những gia đình, những em nhỏ đó.
Điểm tiếp theo được Phó Thủ tướng đề cập là bên cạnh những hạn chế về xúc tiến, thị thực nhập cảnh (visa), hạ tầng, sản phẩm, môi trường, quảng bá… vốn đã được nhận diện, từng bước khắc phục thì du lịch rất cần một sự phối hợp chặt chẽ, mạnh mẽ, đồng bộ.
Sự phối hợp đó không chỉ giữa Chính phủ và doanh nghiệp, mà ngay giữa các cơ quan thuộc Chính phủ với nhau, giữa Trung ương với địa phương, với các cấp và mạnh hơn nữa là giữa nhà nước, doanh nghiệp với từng người dân. Mục tiêu là đất nước hoà bình, ổn định, an toàn; du lịch Việt Nam không có những “hạt sạn” như vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, chèn ép du khách… Để hình ảnh về vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam được truyền tải đến bạn bè quốc tế.