Làm sao để giữ nét đẹp văn hóa truyền thống khi xây dựng nông thôn mới?
Cùng với các tỉnh, thành phố trong cả nước, xây dựng NTM ở Đồng Văn (Hà Giang) đã qua một chặng đường đầy nỗ lực. Bên cạnh những thành tựu có thể quy ra số liệu, so sánh về tỷ lệ… thì việc gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống ở nông thôn có thể ví như sợi chỉ đỏ xuyên suốt, vô cùng quan trọng trong quá trình xây dựng NTM.
Ngay từ khi bắt tay vào thực hiện xây dựng NTM, huyện Đồng Văn đã quan tâm, thực hiện công tác gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng nếp sống văn hóa tại các thôn, bản.
Cụ thể như các hoạt động truyền dạy văn hóa dân tộc: Dạy thổi khèn Mông, dệt lanh, dạy hát và mở các lớp truyền dạy tiếng nói, chữ viết của đồng bào; thành lập và duy trì hoạt động của các hội nghệ nhân dân gian… Đến nay, tại tất cả các xã đều có hội nghệ nhân dân gian hoạt động hiệu quả và tổ chức truyền dạy cho nhiều thế hệ con, em đồng bào dân tộc mình.
Thổi kèn Mông ở Đồng Văn |
Đặc biệt, huyện tập trung lãnh đạo triển khai thực hiện hiệu quả Đề án 09 của BTV Tỉnh ủy; trong đó tập trung vào việc bảo tồn về kiến trúc, trang phục, nghề truyền thống, các phong tục tập quán, tín ngưỡng, các loại hình nghệ thuật văn hóa. Duy trì các lễ hội, như: Lễ hội Gầu Tào (xã Sủng Là, Sà Phìn); Hội Xuân khèn Mông (xã Phố Cáo); Lễ cúng Tổ tiên của dân tộc Lô Lô; Lễ cúng thần rừng, Lễ ra đồng của dân tộc Pu Péo;…
Hiện, trên địa bàn huyện Đồng Văn có 7 di tích cấp Quốc gia; 9 di tích cấp tỉnh; 2 làng văn hóa du lịch cộng đồng. Các điểm du lịch cơ bản được đầu tư cơ sở vật chất hoàn chỉnh, như: Khu di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà Vương, Cột cờ Quốc gia Lũng Cú, Di tích Phố cổ Đồng Văn, 2 Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Lũng Cẩm Trên, xã Sủng Là; thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú và các điểm dừng chân ở các xã, thị trấn dọc Quốc lộ 4C.
Một số khu, điểm du lịch như: Hang mây xã Tả Lủng; điểm du lịch Đồn cao thị trấn Đồng Văn; điểm du lịch Đất mũi thôn Séo Lủng, xã Lũng Cú; hang Động nguyệt thị trấn Phố Bảng… đã và đang được khảo sát để đưa vào phục vụ du lịch.
Thời gian qua, huyện Đồng Văn đã chủ động thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý các giá trị văn hóa, di sản địa chất. Trong đó, huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về di sản văn hóa, du lịch, vệ sinh môi trường, kinh doanh hàng hóa tới đông đảo người dân, các tổ chức, cá nhân.
Công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh được thực nghiêm túc. Các xã, thị trấn chủ động phối hợp với các tổ chức quản lý thực hiện tốt công tác bảo vệ di tích, nếp sống văn minh, gìn giữ về sinh môi trường; tăng cường tuần tra, bảo vệ, kịp thời ngăn chặn các hành vi xâm hại di sản văn hóa và điểm du lịch; thực hiện nghiêm túc, phù hợp và hiệu quả quy định phân cấp quản lý đối với từng di tích.
Đồng chí Nguyễn Trung Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết: Mục tiêu xuyên suốt trong xây dựng NTM của tỉnh cũng như của huyện là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Do đó, cùng với xây dựng kết cấu hạ tầng KT - XH, phát triển mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập,... việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống luôn được huyện chú trọng.
Để phát huy giá trị văn hóa trong xây dựng NTM, thời gian tới, huyện Đồng Văn tiếp tục đẩy mạnh phát triển đồng bộ các lĩnh vực văn hóa; tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nếp sống văn minh ở từng xã, thôn, tổ dân phố, gia đình.
Cùng với đó, Tiếp tục nâng cao chất lượng thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn có chọn lọc những phong tục, tập quán tốt đẹp.
Đồng thời, tăng cường công tác bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, duy trì quản lý tốt các lễ hội, hoạt động văn hóa tại các xã; đẩy mạnh tuyên truyền việc phát huy giá trị cốt lõi của truyền thống văn hóa nhằm nâng cao đời sống tinh thần của người dân, góp phần giúp từng địa phương trở thành những vùng quê giàu truyền thống văn hóa, cách mạng. Tiếp tục giữ vững vai trò của văn hóa trong đời sống tinh thần của nhân dân, là “chìa khóa” để giải quyết các vấn đề KT-XH ở địa phương”.