Làm gì để phụ nữ người dân tộc thiểu số không bị bỏ lại phía sau
Trao đổi tại Hội thảo “Thách thức và giải pháp để phụ nữ DTTS không bị bỏ lại phía sau” do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Ủy ban Dân tộc (UBDT) tổ chức, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mai Hoa – Ủy viên Thường trực Ủy ban Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: Bên cạnh những chương trình, đề án thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, vẫn còn những “rào cản” chính sách, khiến phụ nữ DTTS chưa trở thành nguồn lực của sự phát triển.
Cụ thể như: Trong số 118 chính sách đang triển khai ở vùng DTTS và miền núi, chỉ có 4 chính sách liên quan đến bình đẳng giới (chiếm khoảng 3,4%). Trong 27 chỉ tiêu liên quan đến bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020, chỉ có 2 chỉ tiêu liên quan trực tiếp tới địa bàn DTTS. Các chính sách quy định rải rác ở nhiều văn bản và các cấp độ khác nhau, chồng chéo về nội dung và đối tượng dẫn đến tình trạng “nhiều chính sách lơ lửng trên văn bản, đối tượng đích là phụ nữ DTTS thì không thể tiếp cận” – bà Hoa nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, gọi là chính sách dành cho phụ nữ DTTS, nhưng không ít chính sách thiếu sự lồng ghép giới và sự đặc thù cho phụ nữ DTTS nên hiệu quả thấp. Nhiều chính sách xây dựng chưa dựa trên “quyền” của phụ nữ DTTS mà chủ yếu coi phụ nữ DTTS là đối tượng “ưu tiên”, nhận hỗ trợ thụ động nên chưa phát huy được vai trò làm chủ của phụ nữ DTTS.
Toàn cảnh hội thảo |
Cũng tại hội thảo, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương cho hay: "Đảng và Nhà nước luôn coi vấn đề dân tộc, đoàn kết dân tộc là chiến lược cơ bản, lâu dài và cấp bách. Phát triển toàn diện vùng dân tộc miền núi, ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn quân và cả hệ thống chính trị".
Theo Trưởng ban Dân vận Trung ương, qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 24 của Đảng về công tác dân tộc, nhiều kết quả đã được ghi nhận, nhiều chính sách pháp luật được thực thi và đi vào cuộc sống. Nhấn mạnh việc tạo cơ hội bình đẳng là rất quan trọng đối với đồng bào DTTS, đồng chí Trương Thị Mai cho rằng, cần có chính sách để người dân vùng đồng bào DTTS, đặc biệt là phụ nữ tham gia một cách chủ động, được học tập, hòa nhập và vươn lên.
“Để làm được điều này, cần quan tâm phát triển đời sống đồng bào DTTS, rút ngắn khoảng cách giữa dân tộc Kinh và nhóm DTTS, giữa cộng đồng DTTS với nhau. Thay đổi nhận thức, hành động đối với đồng bào DTTS đặc biệt là phụ nữ bởi đồng bào DTTS là nhóm yếu thế, phụ nữ còn yếu thế hơn”, đồng chí Trương Thị Mai nói.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà nêu thực tế, với những đặc điểm giới và định kiến xã hội đã tồn tại qua nhiều thế hệ, phụ nữ và trẻ em gái DTTS luôn ở vị trí yếu thế hơn trong gia đình và ngoài xã hội. Họ đang phải đối mặt với nhiều sự phân biệt đối xử, bất bình đẳng kép cả về dân tộc và giới. Điều này ảnh hưởng tới khả năng tiếp cận, tham gia và thụ hưởng từ các chính sách phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS, miền núi và vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Để đảm bảo được sự công bằng, các chính sách cần hướng tới những cải cách thể chế và tạo cơ hội nhiều hơn cho phụ nữ DTTS, nhất là những nhóm phụ nữ DTTS nghèo nhất, ở những vùng xa xôi, cách trở nhất.
Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam nhấn mạnh, trong bối cảnh Việt Nam cam kết thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thì nỗ lực chấm dứt bất bình đẳng giới ở các vùng DTTS phải được xây dựng dựa trên các cam kết hiện có của Việt Nam về bình đẳng giới. Liên hợp quốc sẵn sàng hỗ trợ người dân Việt Nam trong hành trình quan trọng này.
Ý kiến của các đại biểu cũng thống nhất, một trong những rào cản lớn của phụ nữ DTTS là định kiến xã hội về trao quyền, cơ hội và khả năng tiếp cận dịch vụ công trong bối cảnh phụ nữ DTTS thường nghèo và bấp bênh về thu nhập; bị tụt hậu trong trong giáo dục, chăm sóc sức khỏe và hòa nhập xã hội. Đây là nguyên nhân dẫn tới phụ nữ DTTS đang bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển.