Làm gì để học sinh nói không với thuốc lá
Ảnh minh hoạ. |
Dạo quanh các quán cà phê gần các trường phổ thông trong thành thị hay ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa không khó để bắt gặp cảnh học sinh nam tụm 3, tụm 5 phì phèo khói thuốc. Các em xem hút thuốc lá như một thú vui, thú tiêu khiển vô hại. Nhưng các em đâu biết rằng tương lai của các em đang mờ tan dần theo khói thuốc. Đốt thuốc, cũng chính là đốt tương lai sức khoẻ của các em
Các bác sĩ cho rằng trẻ em hút thuốc sớm sẽ học kém hơn. Bệnh thường thấy rõ nhất là viêm đường hô hấp mãn tính hay người ta còn gọi là gây khó thở trường kỳ tắt nghẽn đường hô hấp không phục hồi được. Ngoài ra, khói thuốc lá còn là nguyên nhân của nhiều bệnh như: ung thư phổi, ung thư vùng hầu. Thời gian hút càng dài thì tác hại càng lớn, lượng nicôtin trong thuốc lá dự trữ trong cơ thể càng cao”.
Một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến tình trạng hút thuốc lá ở học sinh ngày càng tăng cao là do môi trường. Các em thường bị bạn bè lôi kéo, muốn chứng tỏ mình là người biết “chơi”, ảnh hưởng bởi kết quả học tập, hoàn cảnh gia đình… Cũng vì tò mò muốn biết xem hút thuốc lá cảm giác sẽ như thế nào. Với tâm lý hút vài điếu sẽ không bị nghiện và dần dần trở thành thói quen.
Thuốc lá rất dễ nghiện nhưng đã nghiện lại rất khó bỏ. Các em học sinh cũng chưa hình dung hết khi đã nghiện thuốc lá không những phải mang theo suốt đời gánh nặng bệnh tật mà còn mang theo suốt đời gánh nặng kinh tế.
Theo báo cáo của Hiệp hội Thuốc lá cho thấy, số tiền người dân bỏ ra mua thuốc lá năm 1998 là 5.000 tỷ đồng; đến năm 2002 đã là 10.400 tỷ đồng; năm 2007 là 14.000 tỷ đông. Số tiền đó gần bằng số tiền chi cho y tế và gần bằng mức chi cho giáo dục tính theo đầu người.
Theo điều tra của WHO về hút thuốc ở lứa tuổi học đường thì nam học sinh là 6,5%, nữ học sinh là 1,2%. Như vậy, cứ 100 học sinh, quân bình có từ 7 đến 8 em hút thuốc, chỉ thế cũng đã đủ làm ô nhiễm mà hàng trăm em đang hít thở. Chính vì vậy mà các nhà trường cần chú trọng giáo dục học sinh, ngăn chặn sớm tệ nạn hút thuốc lá.
Giang Văn Hào, Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh Thái Bình cho biết để truyền thông đạt hiệu quả cao, thời gian qua, Trung tâm đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, trường học đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHCTL) bằng nhiều hình thức, phương pháp, đồng thời chuẩn bị nội dung tuyên truyền phong phú, phù hợp với lứa tuổi học sinh. Không chỉ bảo đảm những thông tin chuyển tải tới các em dễ hiểu, dễ tiếp thu mà còn phải dễ nhớ, dễ thực hiện để các em mang kiến thức, hiểu biết về PCTHCTL được trang bị trong trường học, tiếp tục tuyên truyền, vận động để người thân trong gia đình và những người xung quanh nói không với thuốc lá.
Ngoài chú trọng công tác tuyên truyền trực quan như in ấn các tấm pa nô, băng rôn khổ lớn về tác hại của thuốc lá treo tại các trường học, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe còn in các tờ rơi về tác hại của thuốc lá, nguy cơ mắc bệnh từ hút thuốc lá và thông điệp về PCTHCTL để phát đến các em học sinh.
Trung tâm cũng tích cực phối hợp với các trường THCS trên địa bàn thành phố Thái Bình hướng dẫn các em học sinh xây dựng các tiểu phẩm, hoạt cảnh nội dung tuyên truyền về PCTHCTL biểu diễn trong các buổi sinh hoạt tập thể của toàn trường. Đặc biệt, từ đầu năm học mới đến nay, Trung tâm đã phối hợp với hàng chục trường học trong tỉnh tổ chức nói chuyện chuyên đề về PCTHCTL, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và xây dựng môi trường không khói thuốc tới các thầy cô giáo và các em học sinh
Việc ngăn chặn tình trạng hút thuốc lá trong thanh, thiếu niên được Nhà nước rất quan tâm bởi các em là chủ nhân tương lai của đất nước. Ngày 18-6-2012, Quốc hội đã ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và có hiệu lực từ ngày 1-5-2013, trong đó Điều 9 quy định cấm người chưa đủ 18 tuổi, cũng là đối tượng học sinh, sử dụng, mua, bán thuốc lá; cấm bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi...