Lâm Đồng tăng cường phát triển vùng nguyên liệu cho sản phẩm OCOP
Tỉnh Lâm Đồng tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức về việc trồng chăm sóc, phát triển bền vững, chủ động nguồn nguyên liệu trong sản xuất sản phẩm OCOP.
Nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của các sản phẩm ngành Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, đặc biệt là các sản phẩm đặc sản, truyền thống, ngành nghề, làng nghề nông thôn địa phương, cuối năm 2018, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2018-2020. Theo đó có việc triển khai thực hiện đồng bộ phát triển vùng nguyên liệu, liên kết chuỗi sản xuất nhằm tiêu thụ sản phẩm cho địa phương, nâng cao thu nhập, đời sống của người dân gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới.
Tại tỉnh Lâm Đồng, các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đều tăng giá trị, góp phần giúp chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu. Ảnh: Thảo Thu |
Tại Hội thảo góp ý xây dựng khung chương trình và giải pháp thúc đẩy chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 do Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tổ chức mới đây, đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết: Đến nay tỉnh Lâm Đồng có 101 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 91% số xã trên toàn tỉnh); có 03 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 02 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 02 huyện đang lập hồ sơ trình Bộ Nông nghiệp & PTNT thẩm định đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định. Tổng diện tích sản xuất nông nghiệp của tỉnh hơn 300.000 ha (trong đó: diện tích sản xuất sản phẩm OCOP của 53 chủ thể khoảng 30.000 ha, với sản lượng sản phẩm OCOP là 28.000 tấn). Diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 60.288 ha; thực hiện chuyển đổi, cải tạo 16.515 ha diện tích canh tác các loại cây trồng kém hiệu quả.
Toàn tỉnh đã đánh giá, phân hạng và công nhận 123 sản phẩm OCOP. Trong đó có: 07 sản phẩm đề xuất Trung ương công nhận 5 sao; 65 sản phẩm 4 sao và 51 sản phẩm 3 sao. 100% sản phẩm OCOP đều đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, nhiều sản phẩm có mẫu mã, bao bì đẹp, thân thiện với môi trường, kiểu dáng thị hiếu người tiêu dùng và được thị trường chấp nhận.
Theo đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đã tăng giá trị, góp phần giúp chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu. Theo khảo sát từ các chủ thể, doanh thu từ sản phẩm OCOP cấp tỉnh đã tăng từ 10 đến 15% trên đơn vị.
Đạt được hiệu quả trên, ngoài sự đồng lòng, vào cuộc của cả hệ thống chính trị thì công tác tuyên truyền, xúc tiến thương mại được tỉnh đặc biệt quan tâm. Đặc biệt, tỉnh Lâm Đồng có tiềm năng, thế mạnh về phát triển vùng nguyên liệu. Hiện toàn tỉnh có 3 vùng sinh thái phù hợp với các loại cây đặc thù của từng địa phương tham gia sản phẩm OCOP là: Vùng cây ăn trái (Sầu riêng, măng cụt, điều, bưởi, cam, quýt …); cây ngắn ngày (Lúa, nếp, đậu …); trà hoa vàng, diệp hạ châu... ở 3 huyện phía Nam (Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên); Vùng cây công nghiệp (Cà phê, chè, dâu tằm và một số loại cây ăn trái như sầu riêng, bơ… ở 4 huyện và 01 thành phố (TP Bảo Lộc, Bảo Lâm, Di Linh, Đam Rông, Lâm Hà); Vùng rau, hoa và cây dược liệu (Atiso, cà phê Arabica, dâu tây, phúc bồn tử, các loại rau củ quả ôn đới, nấm linh chi, đông trùng hạ thảo, đương quy, đẳng sâm,...) ở TP. Đà Lạt và các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng.
Hiện nay, các chủ thể trên địa bàn đã và đang mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng công nghệ cao để phát triển sản phẩm OCOP, từ đó nhu cầu nguồn nguyên liệu ngày càng tăng lên.
Nhằm phát triển vùng nguyên liệu cho sản phẩm OCOP trong thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng đã đề ra một số giải pháp như tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để giúp người dân và cộng đồng nắm được mục đích, yêu cầu, tiêu chuẩn, chính sách và nâng cao nhận thức về việc trồng chăm sóc, phát triển bền vững, chủ động nguồn nguyên liệu trong sản xuất sản phẩm OCOP.
Tỉnh cũng quy hoạch từng loại cây trồng phù hợp với từng vùng sinh thái, từng địa phương; phát huy lợi thế so sánh về địa lý, địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu, thủy văn; đặc biệt tạo nên nguồn nguyên liệu phong phú; xác định được vùng nguyên liệu, xây dựng mã vùng trồng và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm OCOP; Xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ các chuỗi liên kết sản phẩm OCOP từ sản xuất đến tiêu thụ, đặc biệt chú ý đến việc trồng, chăm sóc và chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; Sử dụng nguồn nguyên liệu địa phương để kiểm soát quá trình canh tác, thu hoạch đảm bảo chất lượng, ổn định nguồn cung lâu dài và giá cả hợp lý; phát triển chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ các sản phẩm OCOP trên địa bàn.
Cùng với các giải pháp trên, tỉnh sẽ chuyển đổi một số cây trồng kém hiệu quả trên đất nông nghiệp sang trồng các loại cây trồng có lợi thế so sánh, phát huy hiệu quả kinh tế và cung cấp nguyên liệu cho sản phẩm OCOP; Hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu trong các cơ sở nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống tham gia sản phẩm OCOP và chú trọng việc hỗ trợ các chủ thể đạt các chứng nhận trong nước và quốc tế đối với các sản phẩm OCOP...
Thảo Thu