Lâm Đồng: Khởi tố vụ phá rừng thông cổ thụ ở núi Langbiang
Chiều 26/6, ông Lê Văn Hương – Giám đốc vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà cho biết, đã khởi tố vụ án, chuyển hồ sơ sang Công an huyện Lạc Dương để điều tra vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng tại tiểu khu 112B theo quy định của pháp luật.
Trước đó, như Infonet đã đưa tin, theo phản ánh của người dân, hàng trăm gốc thông cổ thụ ở Langbiang (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) có đường kính lên tới 50-60cm đã bị cưa hạ. Nhiều cây khác lá chuyển sang màu vàng, héo khô chờ chết bởi gốc đã bị băm nát.
Hàng loạt gốc thông cổ thụ ở núi Langbiang bị đốn hạ không thương tiếc. Ảnh: Vũ Mạnh Linh |
Diện tích rừng bị phá thuộc đối tượng rừng phòng hộ và được UBND tỉnh giao cho Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà tạm thời quản lý sau khi giải thể Ban quản lý Khu Du lịch Đankia Đà Lạt.
Sau khi nhận được phản ánh, các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã nhanh chóng chỉ đạo các đơn vị liên quan vào cuộc xác minh, làm rõ.
Theo UBND huyện Lạc Dương, vụ phá rừng xảy ra tại lô a2 và lô a3, khoảnh 14, tiểu khu 112B, thị trấn Lạc Dương. Tổng diện tích rừng bị phá là 6.436 m2. Tổng số cây bị tác động cắt hạ và ken gốc là 129 cây thông 3 lá, nhóm IV.
Tổng khối lượng và trữ lượng lâm sản thiệt hại còn lại tại hiện trường 45,804 m3. Đặc biệt, trong đó có một khu phá rừng tập trung với diện tích tác động hơn 3.000m2, có 60 cây thông bị chặt hạ cả mới và cũ.
Theo tìm hiểu của PV, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất tại dãy núi Langbiang với mục đích để lấy đất sản xuất đã xảy ra từ nhiều năm qua, nhiều vị trí đã bị cưa trắng, hoặc bị ken gốc lá đã chuyển sang vàng.
Vũ Linh
Rừng thông cổ thụ Langbiang bị tàn phá, chủ rừng nói "tại dân"
Hơn 3.000m2 rừng thông cổ thụ trên đỉnh Langbiang (Lâm Đồng) bị người dân chặt phá chỉ vì thiếu đất canh tác, sản xuất.