Lâm Đồng: Khó sản xuất chương trình phát thanh trực tiếp bằng tiếng dân tộc
Theo nhà báo K’Thủy của Đài PT-TH tỉnh Lâm Đồng, với đặc thù là một tỉnh có địa hình phức tạp, nhiều đồi núi, Lâm Đồng có khoảng 43 dân tộc với trên 1,2 triệu người đang sinh sống. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 24% (khoảng 300.000 người), phân bố ở tất cả 12 huyện, thành phố của tỉnh.
Đài PT-TH Lâm Đồng mới chỉ thực hiện phương thức phát thanh trực tiếp ở một số chương trình dành cho tiếng Kinh |
Từ trước đến nay, Đài PT-TH Lâm Đồng dựa vào 2 ngữ hệ Môn – Khmer (tiếng Kơ Ho) và Nam Đảo – Mã Lai (tiếng Chu Ru) để thực hiện chương trình phát sóng theo phương thức phát thanh truyền thống.
Vẫn biết trong xu hướng làm phát thanh hiện đại, các đài PT-TH đã và đang chú trọng đầu tư thực hiện các chương trình phát thanh trực tiếp, song đến thời điểm này, vì nhiều lý do khác nhau nhau nên cũng như nhiều đài PT-TH tỉnh khác, Đài PT-TH Lâm Đồng khi làm chương trình tiếng dân tộc thiểu số vẫn chưa thể thực hiện được theo phương thức sản xuất phát thanh trực tiếp (hiện Đài PT-TH Lâm Đồng mới chỉ thực hiện phương thức phát thanh trực tiếp ở một số chương trình dành cho tiếng Kinh như Thời sự và âm nhạc, Quà tặng âm nhạc…).
Một số lý do có thể kể đến như: Phóng viên chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ làm phát thanh trực tiếp nên chưa có kinh nghiệm; Hiện chỉ có vài phóng viên làm phát thanh cho chương trình tiếng dân tộc thiểu số hiểu được tiếng Chu Ru và tiếng Kơ Ho, khó đảm bảo ekip làm chương trình phát thanh trực tiếp; Hạn chế về mặt từ ngữ để phóng viên chuyển ngữ từ tiếng Kinh sang tiếng đồng bào dân tộc thiểu số trong điều kiện hạn hẹp về thời gian để có thể thực hiện một cách rành mạch, lôi cuốn thính giả trên sóng phát thanh trực tiếp; Thiếu kinh phí; Thiếu trang thiết bị tác nghiệp…
“Đặc biệt, với đặc thù của đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số của Lâm Đồng, trong thời điểm hiện nay khó có thể triển khai thực hiện các chương trình phát thanh trực tiếp, vì nhu cầu của bà con chưa có, thói quen nghe đài vẫn là theo lối truyền thống, và thông tin thường phải lặp đi lặp lại nhiều lần.
Hơn nữa, khi kinh phí đầu tư để đảm bảo đủ điều kiện sản xuất các chương trình phát thanh trực tiếp không phải là nhỏ mà hiệu quả đem lại không cao (đối tượng nghe chương trình chỉ gói gọn cho các thính giả hiểu được ngôn ngữ tiếng Kơ Ho và Chu Ru, khó mở rộng cho nhiều đối tượng thính giả là người dân tộc khác cùng theo dõi), do vậy, Đài PT-TH Lâm Đồng chưa nghiên cứu triển khai phát thanh trực tiếp chương trình tiếng dân tộc thiểu số của địa phương”, nhà báo K’Thủy phân tích.
Hiện tại, Đài PT-TH Lâm Đồng vẫn đang cân nhắc xem liệu có nên làm phát thanh trực tiếp tiếng dân tộc hay không.
Vẫn biết rằng phát thanh trực tiếp tiếng dân tộc thiểu số có nhiều giá trị, ý nghĩa trong việc góp phần nâng cao dân trí, thúc đẩy kinh tế - xã hội của các địa phương, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, song vẫn cần phải có một cuộc khảo sát để có số liệu thống kê cụ thể về lượng thính giả quan tâm, kết cấu nội dung chương trình cần có…
“Một khi đã làm chương trình trực tiếp sẽ luôn phải đối mặt với tính rủi ro trên sóng như khách mời phòng thu có thể nói quá dài, người dẫn chương trình nói quá lố, tín hiệu thất thường ở những vùng phủ sóng yếu… Để sẵn sàng đương đầu với rủi ro thì không có cách nào khác là phải chuẩn bị thật kỹ trước khi lên sóng. Đội ngũ phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên làm chương trình tiếng dân tộc thiểu số của Đài PT-TH Lâm Đồng rất muốn được học hỏi những cách làm mới sao cho chương trình ngày càng phát triển, được công chúng đón nhận và xem như người bạn đồng hành”, nhà báo K’Thủy chia sẻ thêm.