Lãi suất có thể giảm về 8%
Lãi suất có thể giảm về 8%
Tiết lộ này được TS. Lê Xuân Nghĩa đưa ra tại một cuộc tọa đàm với các doanh nghiệp thuộc khối ngành hàng tiêu dùng được tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, từ nay tới cuối năm mức lãi suất huy động có thể giảm thêm 1% |
Theo nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, hiện lạm phát đang giảm sâu, lãi suất đang có xu hướng giảm và giảm nhanh theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Bằng chứng là trong vòng 6 tháng đầu năm, cơ quan quản lý đã giảm liên tục lãi suất từ 14% xuống còn 9%/năm. Tuy nhiên, khả năng từ nay tới cuối năm lãi suất huy động có thể giảm thêm 1%, về mức 8%/năm.
"Nếu giảm sâu lãi suất huy động VND xuống thấp hơn mức này thì người dân sẽ chẳng mặn mà giữ tiền đồng, thay vào đó là chuyển sang đồng USD" – TS. Nghĩa nói.
Còn đối với lãi suất cho vay, để đảm bảo khả năng sinh lời của các nhà băng, mức dư địa chênh lệch khoảng 3% so với lãi suất huy động, tương đương ở mức 12%/năm là hợp lý.
Tuy nhiên, vấn đề cấp bách hiện nay theo ông Nghĩa không phải là mối lo lạm phát mà là gánh nặng nợ xấu đang ngày một gia tăng trong hệ thống ngân hàng và phải làm sao giải quyết được "cục máu đông" này để dòng vốn có thể khơi thông và không còn tình trạng "nghẽn mạch" như thời gian vừa qua.
"Chậm xử lý nợ xấu ngày nào, khối lượng nợ xấu sẽ ngày càng phình to, đình đốn càng nghiêm trọng, DN càng chết nhanh" – TS. Nghĩa bày tỏ.
Về phương thức xử lý nợ xấu ông Nghĩa cho biết, ông là một trong các chuyên gia đề xuất phương án lập công ty mua bán nợ xấu thuộc Ngân hàng Nhà nước. Sở dĩ lựa chọn "điểm đỗ" cho công ty này thuộc Ngân hàng Nhà nước chứ không phải Bộ Tài chính, vì đây là bài học rút ra từ kinh nghiệm thành công của Thụy Điển.
Thêm nữa, Việt Nam có đặc trưng là ngân hàng trung ương nằm trong Chính phủ, nếu đặt công ty này thuộc Bộ Tài chính thì một đồng của ngân sách đề bị Quốc hội kiểm soát chặt, làm sao có cả trăm ngàn tỷ để xử lý nợ xấu. Ngoài ra, ngân hàng trung ương là nơi có kinh nghiệm trong vấn đề xử lý nợ xấu, nên chắc chắn sẽ thành công.
Hiện nợ xấu đang chiếm khoảng 10% GDP, tương đương 10% tổng dư nợ, nếu để tự ngân hàng và doanh nghiệp xử lý phần nợ này thì sẽ chỉ xử lý được 1,5-2% nợ xấu. Như vậy sẽ phải mất 5 – 7 năm mới xử lý triệt để. Thời gian càng kéo dài hệ lụy cho nền kinh tế càng lớn.
Trường Giang