Lai Châu sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về ATVSLĐ
Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm, tăng thu nhập góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, nông nghiệp hóa... tỉnh Lai Châu đã đề ra nhiều chỉ tiêu trong năm 2018 như: Giải quyết việc làm mới cho hơn 7.000 lao động, trong đó xuất khẩu lao động 100 người. Đào tạo nghề cho 6.300 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật toàn tỉnh lên 46% trong đó đào tạo nghề 33%, tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề đạt 80% trở lên.
Tuyên truyền phổ biển giáo dục pháp luật về lao động cho 5.000 lượt người tại 120 doanh nghiệp; 100 doanh nghiệp trên địa bàn được phổ biến thông tin phù hợp về an toàn lao động...
Lai Châu sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về an toàn lao động. (Ảnh: Báo Lai Châu) |
Nhằm thực hiện các chỉ tiêu đề ra, tỉnh Lai Châu đưa ra một số nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong năm 2018, đó là: Tuyên truyền kiểm tra, hướng dẫn, tư vấn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện các nội dung quy định của Bộ Luật Lao động về hợp đồng lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa ổn định trong các doanh nghiệp. Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm minh vi phạm pháp luật về an toàn lao động; khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, người lao động tham gia cải thiện điều kiện và môi trường lao động, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Thực hiện tốt chính sách việc làm trên địa bàn tỉnh, theo dõi chặt chẽ tình hình xuất khẩu lao động, quản lý tốt người nước ngoài làm việc tại Việt Nam và người Việt Nam tham gia lao động ở nước ngoài; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cán bộ làm công tác quản lý lao động ở cơ sở, góp phần đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, tạo thu nhập ổn định cho người lao động.
Liên quan đến lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp cũng được tỉnh Lai Châu đưa ra nhiều nhiệm vụ thực hiện như: Hướng dẫn Ban chỉ đạo 1956 cấp huyện xây dựng kế hoạch thực hiện công tác đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên theo quy định. Thẩm định hồ sơ năng lực, cấp giấy chứng nhận đăng ký hoat động giáo dục nghề nghiệp cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn, ra thông báo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đủ năng lực đào tạo năm 2018. Hướng dẫn các, huyện, thành phố, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức thực hiện.
Hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tổ chức đào tạo, phát triển đội ngũ nhà giáo đạt chuẩn theo quy định, tổ chức hội giảng nhà giáo, hội thi thiết bị tự làm, hội thi tay nghề cấp tỉnh lần thứ 2 năm 2018; thành lập và đưa đoàn dự thi tay nghề cấp quốc gia, kiểm định đánh giá chất lượng đào tạo tại cơ sở.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá sơ kết, tổng kết để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Bên cạnh đó, tỉnh Lai Châu cũng có những kiến nghị, đề xuất đối với Bộ Lao động – Thương binh và xã hội như: Tiếp tục đầu tư tăng cường năng lực hoạt động cho Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh nhằm hoàn thiện hệ thống thông tin, tư vấn, giới thiệu việc làm, phát triển thị trường lao động trên địa bàn tỉnh, từng bước hòa nhập thị trường lao động trong nước và trên thế giới.
Hàng năm tăng cường ngân sách từ quỹ Quốc gia giải quyết việc làm để giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh đầu tư trang thiết bị, công nghệ mới, mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo thêm nhiều chỗ làm việc mới cho người lao động của tỉnh Lai Châu. Đồng thời, tỉnh Lai Châu đề nghị Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp hỗ trợ đầu tư kinh phí để đầu tư xây dựng mới một Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên của huyện Nậm Nhùn, nâng cấp sửa chữa 6 trung tâm, mua sắm thiết bị và đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo.