Kỳ tích cấp cứu từ xa cho cô giáo Điện Biên bị xe cán qua bụng
Ảnh minh hoạ |
TS Dương Trọng Hiền – Phó trưởng khoa cấp cứu phẫu thuật tiêu hoá Bệnh viện Việt Đức - cho biết, bệnh nhân Nguyễn Thị L, 37 tuổi, vừa được các bác sĩ cấp cứu thành công.
Chị L. là giáo viên. Ngày 6/3, chị đi xe máy chở con về, trên đường về bị tai nạn giao thông, cháu bé ngã văng ra ngoài. Chị L. bị bánh xe chèn ngang bụng.
Ngay sau đó, chị L được mọi người đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện tỉnh Điện Biên trong tình trạng sốc mất máu, huyết động không ổn định, huyết áp thấp 40/60.
Các bác sĩ khoa Ngoại của Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên đã gọi điện xuống Bệnh viện Việt Đức nhờ giúp đỡ.
TS Hiền cho biết, lúc này anh đang trực cọc 1 nên khi nhận được điện thoại của Bệnh viện tỉnh Điện Biên, anh và các đồng nghiệp đã tiến hành vào phòng hội chẩn trực tuyến qua hệ thống Telemedicine để kết nối trực tuyến với các bác sĩ trên Điện Biên.
Ê kíp hội chẩn trực tuyến gồm các bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức và các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên đã tiến hành hội chẩn qua màn hình HD rất rõ ràng.
Qua chẩn đoán ban đầu bệnh nhân rất nguy hiểm, huyết áp không ổn định, vẫn còn hiện tượng mất máu do hồng cầu giảm. Bị vỡ cơ hoành nên toàn bộ nội tạng của bệnh nhân đẩy hết lên lồng ngực khiến phổi bị chèn, bệnh nhân rơi vào tình trạng suy hô hấp.
Nhận thấy, bệnh nhân cần phải phẫu thuật ngay nếu không sẽ nguy hiểm tới tính mạng, các bác sĩ trực đã báo cáo với ban giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Giám đốc Bệnh viện đã điều hai bác sĩ lên hỗ trợ các đồng nghiệp ở Điện Biên. Đến 1h30, ca mổ diễn ra.
Toàn bộ ca mổ, các bác sĩ của bệnh viện Điện Biên mổ trực tiếp và được các bác sĩ từ Bệnh viện Việt Đức giúp đỡ qua hệ thống trực tuyến với từng tổn thương của bệnh nhân.
TS Hiền cho biết, bằng nỗ lực của các đồng nghiệp tại địa phương và sự chẩn đoán, hướng dẫn chính xác qua màn hình HD của bác sĩ tuyến trên, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, ca mổ thành công.
Sau 3 ngày hồi sức sau mổ, hiện tại sức khoẻ bệnh nhân đang hồi phục tích cực.
TS Hiền cho biết, nếu không phẫu thuật cấp cứu, bệnh nhân khó qua khỏi vì đây là cấp cứu tổn thương rất nặng: Gãy hai xương sườn bên trái, vỡ cơ hoành, vỡ tạng bụng, suy hô hấp, dù được hồi sức nhưng các chỉ số vẫn rất xấu.
Thạc sĩ Lê Việt Khánh – Trưởng phòng chỉ đạo tuyến Bệnh viện Việt Đức cho biết, từ trước tới nay, nhờ hệ thống trực tuyến telemedicine, có nhiều bệnh nhân được cấp cứu qua cơn nguy kịch ngay ở tuyến dưới.
Từ năm 2003, trước tình trạng quá tải bệnh viện, Bệnh viện Việt Đức đã xây dựng hệ thống phòng mổ trực tuyến kết nối ban đầu với 6 bệnh viện, đó là Bệnh viện tỉnh Bắc Ninh, Nam Định, Sơn Tây, Phú Thọ, Việt Tiệp – Hải Phòng, Thanh Hoá. Đến nay hệ thống này đã kết nối với 18 phòng mổ ở các bệnh viện khác. Nhờ thế nhiều bệnh nhân ở xa bị tai nạn chấn thương nặng được cấp cứu kịp thời, giảm tải cho tuyến trung ương.