Kỹ sư xây dựng mạo hiểm trồng loại cây cho gia vị đắt đỏ hàng đầu thế giới, giá cả chục triệu đồng/kg
Là kỹ sư xây dựng làm việc tại TP.HCM nhưng Phạm Thái Vương Nam lại mạo hiểm đưa cây vanilla, loại cây trồng 4 năm mới nở hoa, mỗi năm chỉ nở đúng 1 lần chiết ra gia vị đắt đỏ hàng đầu thế giới thử nghiệm....
Anh Phạm Thái Vương Nam (P.Xuân Hòa, TP Long Khánh) đang thụ phấn cho hoa vani.
Ảnh: Hải Yến |
Tốt nghiệp chuyên ngành Cơ khí, làm công việc tư vấn thiết kế xây dựng nhưng với đam mê làm nông nghiệp sạch, anh Phạm Thái Vương Nam (phường Xuân Hòa, TP Long Khánh, Đồng Nai) đã mày mò thử nghiệm trồng cây vani (vanilla) ở TP Long Khánh.
Sau 4 năm chăm sóc, những cây vani đầu tiên trên đất Đồng Nai đã đơm hoa, kết trái. Anh Nam quyết định sẽ mở rộng diện tích trồng cây vani lên 2.000-3.000m2 trong năm nay, tiến tới xây dựng một “Vani Farm Stay” ở thành phố trẻ này.
* Chàng kỹ sư ưa mạo hiểm
Tốt nghiệp chuyên ngành cơ khí nhưng Vương Nam vẫn giữ trong mình niềm đam mê với cây cối, đặc biệt là các loại hoa lan. Để thỏa mãn niềm đam mê này, ngoài trồng lan, Nam còn hay sưu tập các bài báo về hoa lan. Năm 2010, chàng thanh niên này tình cờ đọc được bài báo về loài hoa lan cho giá trị thương phẩm cao, đó là cây vani.
Cây vani là một giống lan nhiệt đới, có xuất xứ từ Mexico… Loài cây này sống bám vào thân cây khác như một loại dây leo (giống cây tiêu), ra hoa, đậu quả và cho hương vani thiên nhiên.
Vani mang lại giá trị kinh tế cao bởi nó là hương liệu không thể thiếu trong ngành chế biến thực phẩm, đặc biệt là trong sản xuất các loại bánh kẹo, thậm chí cả rượu và nước ngọt. Ngày nay, vani được sử dụng trong ngành sản xuất mỹ phẩm, trong các spa…
“Lúc đó mình không để ý lắm, mãi cho đến năm 2015, lại một lần nữa mình đọc được một cuốn sách, trong đó có 1 dòng nhắc đến cây này. Khi đó, mình bắt đầu tìm hiểu mọi thông tin về cây vani và quyết tâm sẽ theo đuổi nó” - Nam nhớ lại.
Quyết tâm là vậy, nhưng ngoài bài báo nói về người đàn ông Pháp trồng cây vani ở Bình Thuận thì anh không tìm thấy tài liệu tiếng Việt nào hướng dẫn trồng cây vani. Không kìm nổi sự tò mò, anh lên mạng tìm đọc các tài liệu nước ngoài và hiểu rõ những giá trị kinh tế mà cây vani đem lại. Quyết tâm đem cây vani về trồng trên đất Đồng Nai càng thôi thúc anh mạnh mẽ.
Sau một thời gian tìm kiếm, anh Nam mua được một ít cây vani về trồng thử nghiệm trên 30m2 đất tại gia đình để theo dõi quá trình sinh trưởng, thử nghiệm các quy trình chăm sóc cây. Đến năm 2018, anh mua thêm cây giống và tự nhân giống để trồng trên diện tích 500m2.
Đây là mảnh vườn mà anh đi thuê. Ngoài ra, vì công việc chính của anh là tư vấn thi công xây dựng và làm tại TP.HCM nên Nam phải thuê người để phụ giúp chăm sóc, trông nom vườn lan quý này. Dù biết rằng con đường đi của mình là mạo hiểm nhưng anh vẫn tin tưởng và kiên trì thực hiện đến cùng.
“Mình không muốn đi theo lối mòn của nông nghiệp Việt Nam là làm theo phong trào. Mình muốn làm theo hướng nông nghiệp sạch, khác biệt, đồng thời khai mở một cơ hội để nhiều người nông dân cùng tham gia làm” - anh Nam chia sẻ.
* Bước đầu thành công
Không có kinh nghiệm trồng cây vani, không có ai hướng dẫn, tài liệu lại khan hiếm… khởi đầu của anh Nam vô cùng gian nan. Dựa vào những kinh nghiệm đã tích lũy được trong quá trình trồng hoa lan, anh bắt đầu thử áp dụng và điều chỉnh dần với cây vani.
Anh Nam quyết định làm nhà lưới, đầu tư hệ thống tưới tiêu tự động và kiểm tra cây hằng ngày để ghi chép lại nhằm tìm ra kỹ thuật, quy trình trồng cây vani. Ngoài ra, chàng thanh niên này cũng tìm thêm thông tin về cây vani trên các trang web nước ngoài.
Thậm chí, anh đặt mua cuốn sách về kỹ thuật trồng cây vani trên ứng dụng mua sắm Amazon với giá 5 triệu đồng. Sau đó, anh vừa đọc, vừa dịch, vừa so sánh các số liệu trong sách (độ ẩm, ánh sáng, nhiệt độ…) xem có tương xứng với thực tế tại Long Khánh hay không.
Điều thuận lợi nhất của anh Nam là điều kiện khí hậu ở Long Khánh phù hợp để trồng cây vani. Tuy vậy, anh muốn tìm ra kỹ thuật trồng cây vani với chi phí thấp nhất nhưng vẫn thu được năng suất cao. Vì thế, anh thử nghiệm trồng trên nhiều loại trụ, nhiều loại giá thể để tìm ra loại giá thể và trụ trồng phù hợp nhất.
Hiện nay, anh đang dùng giá thể là vỏ đậu phộng trộn với tro trấu và vỏ dừa (đã được xử lý). “Tìm ra được loại giá thể thích hợp rồi thì nguồn cung giá thể lại gặp khó khăn. Mình tìm mãi mới mua được vỏ đậu phộng ở tận Đắk Lắk. Giá vận chuyển cũng ngang bằng với giá vỏ đậu” - anh Nam cho biết.
Nam chia sẻ, khi những cây vani đầu tiên được 3 năm tuổi, anh đã thử chủ động kích thích cho cây ra hoa nhưng vì cây còn yếu nên trái không đạt yêu cầu. Đến năm thứ 4, những cây vani đầu tiên bắt đầu ra hoa tự nhiên và đậu trái. Anh Nam bắt tay vào thử nghiệm quy trình xử lý trái vani và thành công.
Hiện nay, lứa cây vani đang ra hoa đợt thứ 2. Dự kiến, năm sau sẽ là thời điểm mà vườn vani 500m2 này rộ hoa. Với những thành công bước đầu này, trong năm nay, anh Nam cùng với các bạn của mình sẽ đầu tư trồng vani trên diện tích khoảng 2.000-3.000m2 tại TP Long Khánh. Mong ước của anh Nam là có thể tạo được một hệ sinh thái “Vani Farm Stay” ở thành phố trẻ này.
“Con đường đi rất mạo hiểm nhưng mình tự tin và đã làm được. Hiện nay, mình đã hoàn thiện kỹ thuật trồng cây vani, từ khâu gây giống, thụ phấn cho hoa, đến khâu xử lý trái. Mình cũng sẽ tìm đầu ra để có thị trường ổn định. Vì mình trồng theo hướng nông nghiệp hữu cơ nên tự tin có thể xuất khẩu sang những thị trường khó tính.
Nhiều người hỏi mình tại sao không bán cây giống, vì chỉ cần bán cây giống thôi là đã có tiền rồi nhưng mình muốn làm cho thật chặt chẽ, hoàn thiện mọi khâu rồi mới chuyển giao cho nông dân chứ không để nông dân rơi vào tình cảnh trồng ồ ạt rồi không có đầu ra” - anh Nam tự tin chia sẻ.
Loài cây khó tính Từ 3-4 năm (tùy theo giống) sau khi trồng, cây vani mới bắt đầu ra hoa. Một bông hoa nở, bên trong có 2 nhánh, 1 đực, 1 cái và 1 nhụy. Hoa không thể tự thụ phấn mà phải do con người thực hiện thủ công. Hoa vani chỉ nở đúng 1 ngày trong năm. Thời điểm thụ phấn lý tưởng là từ 7-9 giờ sáng. Nếu ngày hoa nở mà không thụ phấn kịp thì đến chiều hoa sẽ tự xếp cánh rồi tàn đi, 1 năm sau hoa mới nở lại. Sau khi thụ phấn, đậu quả, trái vani cần phải 9 tháng sau mới chín. Từ trái vani tươi, người ta phải ủ, phơi nắng, rồi phơi trong bóng râm… cho đến khi đạt chất lượng (tăng nồng độ chất vani, chất căn bản làm nên mùi thơm). Tổng thời gian này khoảng 2 tháng. Chính quá trình trồng, thu hoạch và lên men công phu này khiến cho vani trở thành loại gia vị đắt đỏ hàng đầu trên thế giới. |
Nuôi hàng trăm con dê Nam Phi giữa "vựa" cà phê, vợ chồng trẻ thu cả tỷ đồng
Giữa đất cà phê nổi tiếng ở Bảo Lộc (Lâm Đồng) có một trại dê cao sản với hàng trăm con của vợ chồng trẻ cho thu nhập mỗi năm hàng tỷ đồng.
Theo Hải Yến/Báo Đồng Nai