Kỳ Anh thu phí "khủng" khi làm sổ đỏ
Kỳ Anh thu phí "khủng" khi làm sổ đỏ
Kỳ Thượng là một xã miền núi của huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đất rộng, người thưa. Theo một số người dân, trước những năm 1989 chỉ cần ai đó đến khu vực cánh đồng cây Da, nay thuộc thôn Tiến Thượng cắm vài cây tre là có đất ở.
Theo phản ánh của chị Nguyễn Thị Hòa, thôn Tiến Thượng, từ những năm nơi đây con "khỉ ho cò gáy", cha mẹ của chị Hòa là ông Nguyễn Hẫn và bà Bùi Thị Huân đã đến khai hoang được diện tích khoảng 1.500m3. Khi chị Hòa lấy chồng chưa có đất, cha mẹ chị đã cắt cho một phần đất làm nhà ở.
Bất nhất
Năm 1991, chị Hòa đã nhờ người viết đơn gửi lên xã Kỳ Thượng để được xác nhận mảnh đất cha mẹ cho là thuộc quyền sở hữu của chị. Mãi đến năm 2006 đơn của chị mới được chủ tịch xã ký và xác nhận.
Chị Hòa cầm tờ phiếu thu ghi số tiền phải nộp là 22 triệu đồng |
Năm 1998 chị nhận được thông báo của xã khẳng định chị làm nhà trái phép, phải nộp 120 triệu đồng nếu không sẽ bị thu hồi đất. Vào thời điểm đó, gia cảnh chị nghèo khó, chị không xoay đâu ra số tiền trên, đành mặc cho xã đòi. Đến năm 2004, khi có đường tỉnh lộ 10 đi qua, đất đai ở trên tuyến đường này trở nên có giá, xã Kỳ Thượng lại yêu cầu chị Hòa phải nộp 6 triệu đồng cho mỗi mét mặt tiền chạy dài vào trong, nếu không sẽ thu hồi…
Chị đã mang lá đơn đã được chính quyền xác nhận diện tích đất này thuộc sở hữu của chị đến xã thắc mắc, thì nhận được câu trả lời "xã Kỳ Thượng không bảo chị sử dụng đất ở trái phép, chị được cấp bìa đất nhưng phải nộp phí".
“Năm ngoái, xã biết mảnh vườn của tôi có giấy tờ nên họ yêu cầu nộp 80 triệu đồng thì cấp được bìa đất. Do hoàn cảnh gia đình tui đã xin giảm xuống”, chị Hòa cho biết.
Sau đó chị hàng chục lần đến gặp chủ tịch xã xin giảm tiền nộp phí làm bìa đất. Từ yêu cầu nộp 80 triệu đồng ban đầu, chị đã xin giảm xuống còn 22 triệu đồng. “Tôi nói với anh địa chính, không thể xoay sở được ngay số tiền này. Anh ta nói với tui cứ kiếm lấy mấy triệu đồng là được, đang còn 18 triệu đồng tiền hộ nghèo của cha mẹ tui đập sang là xong”, chị kể.
Do ứng trước 2 triệu đồng tiền hộ nghèo nên chị Hòa phải đi vạy mượn đến 6 triệu đồng. Ngày 28-11-2011, chị lên xã Kỳ Thượng đóng tiền làm bìa đất. Trước khi đóng chị thắc mắc: sao không nộp ở kho bạc nộp? Địa chính xã trả lời: nộp ở xã rồi sẽ chuyển tiền lên kho bạc. Nộp tiền, xã trả phiếu thu ghi rõ, nộp 22 triệu đồng xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) tại cây Da với diện tích 160m2.
Ông Vũ Tiến Nhất, trưởng ban địa chính xã Kỳ Thượng khẳng định, mảnh đất chị Hòa sống là của cha mẹ chị khai hoang trước những năm 1990. Do chị Hòa không có giấy nào tờ liên quan đến mảnh đất đó nên theo Luật đất đai khi chị Hòa làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chị phải đóng 22 triệu đồng.
“Chị Hòa làm nhà trái phép đã bị xã xử phạt mấy lần. Ngoài ra chị Hòa không có giấy tờ gì liên quan đến mảnh đất chị đang ở nên phải đóng tiền phí đất”, ông Nhất khẳng định.
Về thông tin chị Hòa có đưa đơn xác nhận đất được chủ tịch xã ký, ông Nhất nói "không hề hay biết" và "chưa thấy chị Hòa trình báo lần nào".
Tuy nhiên, theo chị Hòa cho biết, khi làm xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xã Kỳ Thượng muốn thu tờ giấy xác nhận đất nhưng chị không nộp.
Thu phí vô lý
Trao đổi với PV, ông Phạm Huy Tường, phó Phòng TN-MT huyện Kỳ Anh quá ngạc nhiên sau khi xem phiếu thu nộp tiền làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của chị Hòa ghi rõ số tiền phải nộp là 22 triệu đồng.
"Chính quyền xã Kỳ Thượng đã lợi dụng sự không hiểu biết về luật đất đai của người dân mới đưa ra khoản thu phí quá vô lý".
Theo ông Tường, gia đình chị Hòa sử dụng mảnh đất trước 1993 thì không nộp tiền sử dụng đất, lệ phí thì chỉ vài trăm nghìn đồng. Sau năm 1993 có thu đi chăng nữa cũng chỉ chục triệu đồng trở lại. Thu tiền đó là cao", ông Tường giải thích.
"Thu lệ phí GCNQSDĐ phải theo quy định. Xã Kỳ Thượng thu lệ phí làm bìa đất của chị Hòa mà tính trước 1993 là sai hoàn toàn. Còn tính sau 1993 cũng phải xem lại. Sự việc này chúng tôi sẽ thu thập hồ sơ điều làm rõ", phó Phòng TN-MT huyện Kỳ Anh nói.
HOÀNG DUNG