Kinh hoàng sán làm tổ trong não chỉ vì món ăn khoái khẩu vạn người mê
Hay ăn tiết canh sống và thức ăn tái chín, gần đây ông C. thấy mệt mỏi kèm theo đau đầu hoa mắt chóng mặt. Đến viện khám ông được phát hiện có ấu trùng sán trong não.
Người đàn ông đau đầu hoa mắt chóng mặt vì có ấu trùng sán làm tổ trong não (ảnh minh hoạ) |
Chiều ngày 14/7, Phòng khám da liễu Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng tiếp nhận bệnh nhân B.I.C tuổi 46 tuổi, trú tại huyện Quảng Hoà tỉnh Cao Bằng trong tình trạng người mệt mỏi đau đầu, hoa mắt chóng mặt nhiều. Qua thăm khám và kết quả cận lâm sàng, chụp CT có hình ảnh nang ấu trùng sán.
Theo lời kể, bệnh nhân có sở thích hay ăn tiết canh sống và thức ăn tái chín, các loại lòng phèo, bệnh nhân có tiền sử xơ gan, và suy tim, gần đây thấy mệt mỏi kèm theo đau đầu hoa mắt chóng mặt nhiều.
Sau khi phát hiện ấu trùng sán qua phim chụp, bệnh nhân đã được chuyển tuyến trên điều trị.
Đây không phải trường hợp đầu tiên sán “làm tổ” trong não người. Trước đó, Bệnh viện đa khoa Phú Thọ cũng từng tiếp nhận một bệnh nhân có ổ sán khổng lồ choán hết vùng bán cầu não trái và vùng thái dương của bệnh nhân, gây tê yếu 1/2 bên phải cơ thể, đau đầu nhiều, sốt...
Theo đó, trước khi nhập viện bệnh nhân thấy đau đầu nhiều, buồn nôn kèm theo những cơn sốt tăng dần, tê yếu 1/2 bên phải cơ thể, tri giác chậm và được gia đình đưa đến Bệnh viện đa khoa Phú Thọ.
Tại bệnh viện, sau khi chụp CT sọ não, các bác sĩ phát hiện ổ sán não khổng lồ ở bán cầu trái và vùng thái dương bệnh nhân. Ổ sán gây phù não và các thay đổi sức khỏe của bệnh nhân.
Ngay lập tức bệnh nhân được chỉ định mổ cấp cứu, dùng máy hút siêu âm và sử dụng kính hiển vi phẫu thuật. Kết quả, các bác sĩ lấy được trọn vẹn ổ sán não kích thước lớn, đường kính 3-4cm.
Bác sĩ Hà Xuân Tài - phó khoa ngoại thần kinh Bệnh viện đa khoa Phú Thọ, cho biết kén sán não là bệnh nhiễm trùng thần kinh do ấu trùng sán dây lợn sống ký sinh ở người gây ra. Bệnh hay gặp ở nơi có mức sống thấp, điều kiện vệ sinh kém, hay nuôi heo thả rông hoặc ăn thịt chưa được nấu chín, ăn tiết canh, nem thính, nem chua, gỏi sống.
Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Cao Bằng cũng nhấn mạnh, bệnh sán não chỉ xảy ra khi kén sán có ở não từ một đến nhiều ổ. Mức độ tổn thương nặng hay nhẹ phụ thuộc vào số lượng kén sán có trong não. Biểu hiện thường gặp là: bệnh nhân bị nhức đầu, buồn nôn hoặc nôn, cơn co giật (động kinh), liệt nửa người hoặc tê bì rối loạn cảm giác, khó ngủ hoặc mất ngủ, mờ mắt, tăng áp lực sọ não, suy nhược thần kinh, rối loạn tâm thần, bệnh nhân có thể bị đột tử.
Hầu hết bệnh nhân nhiễm sán não biểu hiện đau đầu kéo dài hoặc bị co giật, điều trị tại tuyến cơ sở nhiều tháng, thậm chí nhiều năm không đỡ với chẩn đoán đau đầu, động kinh.
Nhưng khi đi chụp cắt lớp, hình ảnh nang sán não dễ dàng được phát hiện, có những nang lớn từ 0,5-1cm. Nếu bị nang sán quá lâu, có thể để lại các nốt vôi hóa trong não.
Ngoài ra, ấu trùng sán còn gây bệnh ở nhiều cơ quan khác.
Ở mắt: nang ấu trùng có thể nằm trong hốc mắt, mi mắt, trong kết mạc, thuỷ tinh thể, tiền phòng, làm giảm thị lực hoặc bị mù tuỳ theo vị trí của ấu trùng trong mắt.
Ở tim: nang ấu trùng ở cơ tim làm cho tim đập nhanh, tiếng tim bị biến đổi, bệnh nhân dễ bị ngất...
Xét nghiệm phân tìm thấy đốt sán và trứng sán; sinh thiết u nang ở da tìm thấy ấu trùng sán lợn. Chụp phim Xquang, chụp não thất hoặc soi đáy mắt phát hiện thấy u nang sán hoặc ấu trùng sán.
Bác sĩ Tài cũng cho hay sán não là bệnh rất nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Tuy nhiên bệnh lại hoàn toàn có thể phòng tránh được.
Do đó, để phòng bệnh người dân cần thực hiện thói quen ăn chín uống sôi, không ăn tiết canh lợn, lòng lợn, gỏi, thịt lợn tái... không ăn thịt lợn gạo, không ăn sống hoặc tái các loại rau trồng dưới nước như rau ngổ, rau muống, rau cần... mà phải nấu chín kỹ mới ăn; rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; vệ sinh môi trường sạch sẽ; xây hố xí hợp vệ sinh; không đại tiện bừa bãi; không nuôi lợn thả rông..., dùng thuốc tẩy sán dây lợn khi đã bị nhiễm sán.
Khi có dấu hiệu đau đầu hoa mắt, chóng mặt thường xuyên, nên đến cơ sở y tế được khám và phát hiện điều trị bệnh kịp thời.
N. Huyền