Kiến nghị coi Covid-19 là bệnh lý thông thường nhưng người dân vẫn phải làm điều này
Dù kiến nghị coi Covid-19 là bệnh lý thông thường nhưng PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu vẫn khuyến cáo người dân đeo khẩu trang, sát khuẩn thường xuyên, không đến sự kiện đông người...
Gia tăng trẻ mắc Covid-19 sốt cao, cần truyền dịch
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết với việc mở cửa đang diễn ra, ông có hai nỗi lo. Thứ nhất, dù Việt Nam đã phủ vắc xin mũi một cho tất cả dân số trưởng thành và phủ mũi hai cho gần 97% dân số trưởng thành, nhưng vẫn còn nhóm người cao tuổi chưa được tiêm. Tỷ lệ tử vong do Covid đang rơi vào nhóm này là chủ yếu.
Nhóm thứ hai là trẻ dưới 12 tuổi vẫn chưa được tiêm vắc xin. Mấy ngày gần đây, số lượng trẻ nhiễm Covid tăng lên.
“Chúng tôi thường xuyên gặp các cháu nhiễm Covid bị sốt cao cần truyền dịch, hạ sốt, phòng chống bội nhiễm.
Vì vậy, chúng ta phải chuẩn bị nguồn lực để giải quyết hai vấn đề này càng sớm càng tốt. Với người già, các địa phương cần rà soát, tiêm cho những người chưa tiêm.
“Tại Bệnh viện điều trị người bệnh Covid ở Hoàng Mai (Hà Nội), 80% ca tử vong rơi vào nhóm chưa tiêm vắc xin; 20% còn lại là người bệnh nền nặng.
Với trẻ em, các cơ quan chuyên môn đã đưa ra nhiều phân tích về tác dụng của việc tiêm vắc xin. Nhiều nước đã triển khai tiêm. Các cơ quan cần tiếp tục kiên trì giải thích, động viên, phân tích thiệt hơn để phụ huynh đồng thuận. Nếu người dân chưa đồng thuận, cần hiểu, chia sẻ với nỗi lo của họ. Tôi vẫn cho rằng việc tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 tuổi không nên bắt buộc mà theo tinh thần tự nguyện của người dân.
Các địa phương cần sàng lọc nhóm trẻ có nguy cơ cao nếu nhiễm Covid, như các em bị béo phì, đái tháo đường, tổn thương tim bẩm sinh... để tiêm phòng sớm cho các trường hợp này”, PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh.
Ngoài ra, Giám đốc BV ĐH Y Hà Nội cũng cho rằng chúng ta cần chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực để điều trị các bệnh nhân là trẻ em nhiễm Covid nặng.
Không nên coi Covid-19 là đại dịch mà chỉ là bệnh lý chuyên khoa
Mặc dù các ca mắc trẻ em gia tăng, tuy nhiên căn cứ vào độ phủ vắc xin, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, đến thời điểm này cần coi Covid-19 là bệnh lý chuyên khoa và cần xử lý như các bệnh lý chuyên khoa khác.
Việc thanh toán, chi trả tiền khám, chữa bệnh Covid-19 cũng cần ứng xử như với các bệnh lý khác, nghĩa là có thể do bảo hiểm y tế chi trả hoặc khám dịch vụ do người dân tự chi trả.
Kiến nghị coi Covid-19 bệnh lý thông thường nhưng người dân vẫn phải làm điều này |
Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Hoàng Bùi Hải - Phó giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 Đại học Y Hà Nội cho rằng, đã đến lúc không nên xem Covid-19 là đại dịch nữa mà xem như một bệnh chuyên khoa. Nó không phải là cúm cũng không phải là đại dịch bởi cách điều trị khá riêng.
"Khác với cúm, nên xem Covid-19 là một bệnh thông thường của một bệnh truyền nhiễm. Cần tập trung vào việc lựa chọn bệnh nhân vào viện để trang bị cho các bệnh viện đầy đủ, trang bị con người, thuốc thang để điều trị cho người bệnh chất lượng tốt nhất.
Chúng ta không nên đếm ca mắc Covid-19 ở thời điểm hiện tại bởi khoảng 50% các trường hợp người dân ở nhà, test nhanh dương tính gọi cho tổ tư vấn, nặng tự vào viện nên không thống kê được", ông Hải cho biết.
Về chi phí viện phí, ông Hải cho rằng, bệnh do nCoV khi ra khỏi danh sách bệnh truyền nhiễm nhóm A thì xem là bệnh thông thường, người bệnh nên chi trả.
"Việc thanh toán, chi trả tiền khám, chữa bệnh Covid-19 cũng cần ứng xử như với các bệnh lý khác, nghĩa là có thể do bảo hiểm y tế chi trả hoặc khám dịch vụ do người dân tự chi trả. Như thế, Nhà nước sẽ có đủ năng lực để làm tốt nhất, chuyên sâu nhất. Để trông chờ vào ngân sách Nhà nước sẽ rất khó khăn", ông Hải cho biết.
Mặc dù đề xuất cần coi Covid-19 là bệnh thông thường nhưng cả hai chuyên gia này đều nhấn mạnh, quy định 5K vẫn nên duy trì bởi có thể tiêm vắc xin rồi, khả năng lây nhiễm cho những người tiêm vắc xin sẽ giảm đi.
“Tuy nhiên quy định 5K vẫn nên duy trì vì vẫn còn những người chưa tiêm vắc xin. Vẫn có người đã tiêm vắc xin nhưng có nhiều bệnh nền. Những người này bị nhiễm làm cho hệ miễn dịch kém đi có thể làm bệnh nền nặng gây tử vong.
Có những cái cần nới lỏng, có những cái không nên bởi biện pháp 5K là rẻ tiền mà hiệu quả, ý thức người dân tuân thủ là điều quan trọng nhất", PGS.TS Hoàng Bùi Hải nhấn mạnh.
Bổ sung thêm, PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu cũng nhấn mạnh, chúng ta phải xác định không được chủ quan.
“Tôi vẫn khuyến khích mỗi người dân tự áp dụng tối đa biện pháp bảo vệ bản thân. Bởi nếu người dân chủ quan, dịch bệnh bùng phát mạnh như Mỹ và các nước châu Âu, mỗi ngày có hàng trăm nghìn người nhiễm thì sẽ ảnh hưởng đến nhiều mặt của đất nước, như quá tải hệ thống y tế, bệnh viện; ảnh hưởng kinh tế; ảnh hưởng tâm lý xã hội...
Do đó, mỗi người cần cố gắng làm những việc đơn giản như đeo khẩu trang, sát khuẩn thường xuyên, hạn chế dự các sự kiện đông người nếu không thật sự cần thiết... Với tốc độ lây lan nhanh của Omicron, chúng ta khó hạn chế được hoàn toàn, nhưng cố gắng không để nó lây nhiễm diện rộng”, PGS. TS Lân Hiếu nhấn mạnh.
“Tại Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 Đại học Y Hà Nội - tuyến cuối điều trị người bệnh Covid-19 tại khu vực Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc đang điều trị cho 140 bệnh nhân nặng, nguy kịch.
Con số này chưa có chiều hướng giảm, vẫn như trước Tết Nguyên đán, tuy nhiên, hiện tại bệnh viện vẫn đang đáp ứng được, chưa gây quá tải.
Qua đánh giá, bệnh nhân tử vong chủ yếu là bệnh nhân chưa tiêm vắc xin. Trong đó, có tới 80% bệnh nhân tử vong chưa tiêm vắc xin, 20% còn lại là bệnh nhân tiêm một mũi hoặc tiêm đã quá lâu. Rất ít trường hợp tiêm vắc xin AstraZeneca, Pfizer từ 2 mũi trở lên mà tử vong, chủ yếu nhiều bệnh nền. Điều này cho thấy tiêm vắc xin vẫn rất hiệu quả", PGS.TS Hoàng Bùi Hải thông tin.
N. Huyền