Ai có nguy cơ bị hội chứng hậu Covid-19?
Nhiều người cho rằng đã tiêm đủ 2 mũi, 3 mũi vắc xin thì nhiễm Covid-19 sẽ nhẹ nhàng thậm chí còn không bằng cảm cúm. Tuy nhiên, có nhiều người đã khổ sở vì hậu Covid-19.
BS Nguyễn Văn Tiến – Bệnh viện Ung bướu TP.HCM chia sẻ, anh mắc Covid-19 và sau khi bình phục vẫn còn những di chứng đáng sợ của Covid-19 như mất ngủ, khó thở, vợ anh thì rụng tóc. Hai vợ chồng anh Tiến phải mất hơn 2 tháng trời chăm chỉ luyện tập, có chế độ dinh dưỡng tăng sức đề kháng mới có thể dần dần vơi đi các di chứng từ khi mắc Covid-19. Những ngày đầu, tình trạng khó thở, đêm nào cũng khó ngủ khiến bản thân vô cùng mệt mỏi nhưng nay đã có nhiều cải thiện.
Trường hợp anh Lê Quốc Ninh – sinh năm 1986, Cầu Giấy Hà Nội cũng mắc Covid-19 từ 25/1. Đến nay anh Ninh vẫn chưa thoát khỏi các triệu chứng của Covid-19. Thời gian dương tính chỉ kéo dài 5 ngày nhưng anh Ninh lại bị triệu chứng bồn chồn, mất ngủ, vã mồ hôi vào ban đêm, cảm giác người như bị bốc hoả. Anh Ninh cũng mất vị giác hai tuần mới phục hồi, việc mất vị giác như người đi mượn ăn không biết ngon là gì.
Theo BS Nguyễn Huy Hoàng – Trung tâm oxy cao áp Việt Nga – Bộ Quốc phòng, ở người bệnh đã điều trị Covid-19 âm tính họ có thể xuất hiện một số triệu chứng của rối loạn hệ thần kinh thực vật bao gồm: Đầu tiên là cảm giác bồn chồn, lo lắng, dễ xúc động và khó ngủ. Tình trạng bồn chồn, lo lắng hay khó ngủ đều khá thường thấy khi bệnh nhân đang nhiễm SARS-CoV-2. Tuy nhiên, sau khi âm tính, việc dễ xúc động ngay cả trong những trường hợp không quá đặc biệt cũng xảy ra.
Ảnh bệnh nhân Covid-19. |
Ngoài ra, bác sĩ Hoàng cũng ghi nhận có nhiều người bệnh sau khi khỏi Covid-19 cũng dễ gặp các triệu chứng do thiếu máu lên não như nặng đầu, váng đầu, giảm trí nhớ, cảm giác chóng mặt, mất thăng bằng giống rối loạn tiền đình. Có người thì cảm giác chân tay yếu, mất sức.
Theo BS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc BV ĐK Đức Giang bệnh viện cũng ghi nhận rất nhiều người tới khám hậu Covid-19. Theo BS Thường không chỉ các bệnh nhân mắc Covid-19 nặng mà trên thực tế có nhiều bệnh nhân không triệu chứng, hoặc nhẹ cũng có hội chứng hậu Covid-19 kèm theo.
BS Thường cho biết những người dễ bị hội chứng hậu Covid-19 gồm có:
Thứ nhất những bệnh nhân Covid-19 nặng phải can thiệp hô hấp như thở oxy liều cao, thở máy, HFNC… sau khỏi Covid-19 bệnh nhân vẫn khó thở, thậm chí không cai được oxy. Nhiều bệnh nhân về nhà vẫn phải lệ thuộc vào oxy. Bệnh nhân này cần được kiểm tra lại để đánh giá chức năng phổi và độ xơ hóa của phổi.
Nhóm thứ hai là những người bị bệnh rối loạn đông máu. Bệnh Covid-19 rối loạn đông máu khá kéo dài, có thể trên 2-3 tháng sau điều trị. Điều này ảnh hưởng tới các bệnh lý tim mạch, chức năng thận của người bệnh. Vì vậy, những người có tiền sử rối loạn động máu sau mắc Covid-19 cần hết sức cảnh giác.
Nhóm thứ ba là nhóm liên quan đến thần kinh, sau Covid thì bị stress, nhiều người khi mắc đã rất sợ, dẫn đến stress, ảnh hưởng tâm lý. Nhóm bệnh nhân này thường thấy chóng mặt, ho kéo dài, khó thở, thở hổn hển, không tập trung vào công việc, luôn cảm thấy lo lắng.
Theo BS Thường để đánh giá hội chứng hậu Covid-19 và việc điều trị, bệnh nhân được khám cụ thể trực tiếp, kiểm tra chức năng hô hấp, các xét nghiệm, tim mạch. Khi có các vấn đề liên quan tới chuyên khoa nào bệnh nhân sẽ được theo dõi điều trị tại chuyên khoa đó.
Ngoài ra, bệnh nhân còn được hướng dẫn các bài tập liên quan đến thở, ăn uống, dinh dưỡng, vận động; tập cai oxy, tư vấn tâm lý cho bệnh nhân để có thể vượt qua stress; hướng dẫn theo dõi bệnh nền vì sau Covid bệnh nền có xu hướng tăng nặng, ví như bệnh nhân tiểu đường, huyết áp sau Covid có xu hướng kiểm soát khó khăn hơn, thậm chí thay đổi cả phác đồ điều trị bệnh nền…
BS Thường khuyến cáo với người bệnh Covid-19 theo dõi tại nhà tốt nhất sau 2 tuần cách ly người bệnh nên tới các cơ sở y tế để kiểm tra, đánh giá xem bản thân có mắc hội chứng hậu Covid-19 hay không. Nếu được theo dõi điều trị sớm thì các di chứng để lại nhanh cải thiện hơn nhất là với những người từng phải can thiệp thở oxy tại các cơ sở y tế.
Khánh Chi