Kiên Giang tập trung phát triển du lịch biển đảo
Trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Tỉnh ủy Kiên Giang phấn đấu đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 8,5%/năm; GDP bình quân đầu người 3.000 USD; sản lượng lương thực đạt 5 triệu tấn; sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy sản hơn 755.500 tấn; kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD; 80% đường liên ấp nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 99% hộ dân sử dụng điện; 50% số xã và thêm 2 huyện đạt tiêu chí nông thôn mới… Huy động vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016-2020 khoảng 255.000 tỷ đồng. Giải quyết việc làm từ 35.000-40.000 lao động/năm; tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 1-1,5%/năm; dân số tham gia bảo hiểm y tế trên 90% và sử dụng nước sạch sinh hoạt đạt tỉ lệ 90%... Đặc biệt, du lịch và kinh tế biển sẽ là 2 lĩnh vực được Kiên Giang đặc biệt chú trọng trong thời gian tới.
Theo đồng chí Nguyễn Thanh Nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang: Kiên Giang là một tỉnh có nhiều thuận lợi cho phát triển kinh tế biển. Với đường bờ biển dài trên 200km, 2 huyện đảo Phú Quốc và Kiên Hải, Kiên Giang có đầy đủ các thành phần và tiềm lực để phát triển mạnh kinh tế biển: du lịch, đóng tàu, vận tải… Chính vì vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang chỉ rõ, trên tinh thần học tập và vận dụng sáng tạo Nghị quyết Đại hội XII, Kiên Giang sẽ quán triệt sâu sắc theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị về việc học tập, triển khai Nghị quyết XII của Đảng, xem đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng và sẽ đề ra những giải pháp phát triển sao cho phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội của địa phương.
Cống ngăn mặn và khu lấn biển (khu ẩm thực và nhà hàng nổi tiếng) tại TP. Rạch Giá, Kiên Giang |
Nhìn vào kế hoạch phát triển kinh tế của Kiên Giang giai đoạn 2016-2020, chúng ta dễ thấy kinh tế biển và du lịch có vai trò trung tâm. Đúng với tinh thần Đại hội XII, Kiên Giang cũng tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh. Trong đó, cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; đẩy mạnh công nghiệp chế biến thủy hải sản;phát triển nuôi trồng thủy sản đa dạng theo quy hoạch; phát triển mạnh du lịch biển đảo gắn với bảo vệ môi trường… Riêng ngành kinh tế biển, Kiên Giang sẽ tập trung đầu tư cho các ngành như sửa chữa và đóng tàu; hậu cần và dịch vụ nghề cá; du lịch biển đảo.
Hiện Phú Quốc, Rạch Giá, Kiên Hải là 3 đơn vị đang phát triển du lịch rất tốt của Kiên Giang. Nếu Thành phố Rạch Giá đang phát triển rất nhanh thì Phú Quốc được quy hoạch trở thành thành phố, trong khi Kiên Hải đang được đầu tư rất mạnh (kéo điện ra tất cả các đảo; xây dựng hạ tầng giao thông; quy hoạch các bến tàu du lịch và khai thác hải sản…). Hiện Kiên Giang cũng đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng để mời gọi, thu hút nhà đầu tư nước ngoài, nhất là cho các dự án đã được quy hoạch ở Phú Quốc, Hà Tiên và Rạch Giá. Theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Nghị, Kiên Giang với những lợi thế sẵn có đang phấn đấu trở thành tỉnh giàu mạnh nhờ biển và trở thành ngôi sao sáng trong phát triển kinh tế tại khu vực Tây Nam đất nước.