Kiên Giang: Phát triển thế mạnh địa phương, xuất khẩu tăng vọt
Kim ngạch xuất khẩu đạt 640 triệu
Theo đó, xuất khẩu gạo đạt 416.000 tấn, kim ngạch 218 triệu USD, tăng gần 30%; thủy sản đạt 23.750 tấn, kim ngạch 213 triệu USD, tăng 10%; giày da 170 triệu USD, tăng hơn gấp 2 lần so với cùng kỳ, còn lại là những hàng hóa khác. Sản phẩm hàng hóa xuất khẩu sang 35 thị trường các nước trên thế giới, trong đó có một số thị trường mới như Hàn Quốc, Israel,…
Nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, một thế mạnh phát triển kinh tế biển của tỉnh Kiên Giang |
Lãnh đạo Sở Công Thương Kiên Giang cho hay, kim ngạch xuất khẩu năm 2018 tăng do nhu cầu một số nước nhập khẩu gạo tăng cao như: Malaysia, Trung Quốc, Philippines,… và phát triển thêm thị trường mới. Giá gạo xuất khẩu bình quân 10 tháng năm 2018 là 520,69 USD/tấn, tăng 52,52 USD/tấn so với năm 2017. Việc đơn giản hóa thủ tục hải quan theo Nghị định 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về xuất khẩu gạo đã giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong xuất khẩu gạo. Xuất khẩu thủy sản tăng do các thị trường truyền thống có nhu cầu nhập khẩu hàng trở lại và phát triển thêm thị trường Israel.
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng nhấn mạnh: Tỉnh tập trung sản xuất nông nghiệp, thủy sản an toàn, bền vững và hiệu quả để tạo nguồn nguyên liệu chất lượng ổn định, đảm bảo phục vụ nhu cầu sản xuất chế biến xuất khẩu. Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, nâng cấp thiết bị, công nghệ hiện đại để sản xuất chế biến sản phẩm hàng hóa có giá trị gia tăng, sức cạnh tranh cao trên thị trường trong điều kiện cạnh tranh ngày càng gay gắt. Năm 2019, tỉnh Kiên Giang phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 680 triệu USD.
Tập trung phát triển ngành công nghiệp
Tỉnh Kiên Giang tập trung việc quy hoạch phát triển cụm công nghiệp theo hướng công nghiệp hóa nông nghiệp và nông thôn, gắn với hình thành, phát triển các cụm công nghiệp tập trung trên địa bàn. Tỉnh tập trung đầu tư có trọng điểm công nghiệp chế biến, nhất là nông nghiệp, lâm nghiệp, khoáng sản, các ngành nghề công nghiệp phục vụ nông - lâm nghiệp, thúc đẩy khu vực kinh tế nông thôn phát triển.
Theo Sở Công thương Kiên Giang, đến năm 2025, tỉnh phát triển 14 cụm công nghiệp, tổng diện tích 608 ha, trong đó đến năm 2020 phát triển 6 cụm công nghiệp, diện tích 235 ha; tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng 2.068 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 17.625 lao động; phấn đấu 3 cụm công nghiệp đạt tỷ lệ lấp đầy trên 60%, tỷ lệ lấp đầy bình quân của các cụm công nghiệp còn lại 40 - 50%; tổng giá trị sản xuất công nghiệp của các cụm công nghiệp từ 52 - 105 triệu USD/năm. Đến năm 2025, tiếp tục phát triển 8 cụm công nghiệp, tổng diện tích 373 ha.
Cùng với đó, tỉnh Kiên Giang đẩy mạnh đổi mới công tác quản lý nhà nước về công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp thông qua việc định hướng đầu tư, phát triển thị trường, xây dựng các chính sách, chế độ, môi trường ưu đãi đầu tư thông thoáng, bình đẳng, thực sự hấp dẫn và khơi dậy tính năng động trong các hoạt động đầu tư, sản xuất công nghiệp của các thành phần kinh tế trong, ngoài nước.
Phát triển các cụm công nghiệp theo hướng tổ chức phân bố lại các cơ sở sản xuất công nghiệp một cách hài hòa giữa thành thị và nông thôn; giải quyết đầu ra, nâng cao giá trị cho sản phẩm nông - lâm nghiệp, thủy sản, khoáng sản, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; gắn nhà máy với vùng nguyên liệu và nguồn lao động; xử lý và bảo vệ môi trường, đảm bảo cho công nghiệp, nông nghiệp phát triển an toàn, bền vững, hiệu quả.
Phát triển thế mạnh địa phương
Để phát huy tiềm năng, lợi thế về nuôi trồng thủy sản (NTTS), thời gian qua, ngành Nông nghiệp Kiên Giang đã quan tâm chỉ đạo việc ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) trong NTTS và bước đầu mang lại những kết quả rất đáng ghi nhận.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng KHCN trong NTTS của tỉnh cũng còn những tồn tại, hạn chế nhất định cần được khắc phục, tháo gỡ nhằm tạo động lực thúc đẩy sản xuất, phục vụ tốt cho mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trong thời gian tới.
Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang đã và đang ứng dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, xây dựng nhiều mô hình nuôi tôm sú, tôm chân trắng siêu thâm canh theo các hình thức ao lót bạt đáy - hai giai đoạn, biofloc,…(mật độ thả 300-500 con/m2); năng suất cao gấp 5,2-12,8 lần so với cách nuôi truyền thống (ao đất, lót bạt bờ).
Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 450 ha/2.500 ha diện tích nuôi tôm theo các hình thức này. Với những ưu điểm vượt trội có được (kiểm soát tốt môi trường, dịch bệnh, sức khỏe tôm; năng suất, sản lượng cao; tiết kiệm nước sử dụng;…), mô hình này sẽ còn mở rộng hơn nữa trong thời gian tới. Đây là kết quả của việc chủ động nắm bắt, tiếp cận ứng dụng tiến bộ KHCN của người dân và doanh nghiệp cũng như định hướng của cơ quan quản lý chuyên ngành.
Với khoảng 240.000 ha (tôm nước lợ hơn 120.000 ha), Kiên Giang là tỉnh thuộc tốp đầu trong khu vực, với đa dạng loại hình canh tác (chuyên canh, luân canh, xen canh kết hợp), khu vực nuôi (cả trong nội địa lẫn ngoài bãi triều ven biển, ven đảo) và đối tượng nuôi (tôm sú, tôm chân trắng, tôm càng xanh, cua biển, cá biển, sò huyết, sò lông,…).