Kiên Giang: Huyện Giồng Riềng phát triển chương trình mỗi xã một sản phẩm
Hơn 10 năm thực hiện chương trình nông thôn mới, huyện huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang đã thay da đổi thịt từng năm, qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế - xã hội.
Đổi thay với nông thôn mới
Trước đây kinh tế của huyện Giồng Riềng chủ yếu dựa vào cây lúa nên chậm phát triển, đường giao thông nông thôn còn trắc trở nên việc đi lại, giao thương mua bán của người dân không thuận tiện. Đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, số hộ nghèo khá cao. Thế nhưng, về Giồng Riềng giờ đã khác xưa, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới. Đường làng, ngõ xóm trải bê tông sạch đẹp, nhà cửa khang trang.
Tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới, người dân được quan tâm hỗ trợ giống cây trồng, cho vay vốn làm ăn. Các công trình phúc lợi xã hội như trạm y tế, trường học được xây dựng khang trang, tâm lý người dân trong huyện vô cùng phấn khởi.
Theo lãnh đạo huyện Giồng Riềng, nổi bật là hệ thống đường giao thông nông thôn của huyện đã kiên cố hóa đạt 100% theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đảm bảo giao thông đi lại thuận lợi. Hệ thống kênh, mương đảm bảo phục vụ tưới tiêu sản xuất. Từ năm 2011 đến tháng 12-2020, huyện huy động trên 2.440 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới, trong đó, vốn ngân sách 1.778 tỷ đồng, còn lại do các nhà hảo tâm, nhân dân đóng góp. Với những nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền, sự chung tay góp sức của nhân dân, Giồng Riềng đã được công nhận nông thôn mới năm 2020.
Thành tựu rõ nét nhất trong xây dựng nông thôn mới ở Giồng Riềng còn thể hiện qua kết quả cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp đạt trên 95%. Việc xen canh, mở rộng diện tích trồng màu, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất đạt nhiều kết quả. Tổng sản lượng lúa hàng năm của huyện gần 700.000 tấn, chiếm 1/6 tổng sản lượng lương thực cả tỉnh. Lợi nhuận 3 vụ lúa 48,5 triệu đồng/ha. Hiện toàn huyện có 120 hợp tác xã nông nghiệp, với tổng diện tích gần 12.000ha, chiếm 25,8% diện tích đất sản xuất lúa toàn huyện. Nhiều hợp tác xã hoạt động kinh doanh có hiệu quả, tổng doanh thu bình quân hàng năm của các hợp tác xã đạt khoảng 450 triệu đồng/năm. Với những bước đi căn cơ, cách làm sáng tạo, đến cuối năm 2020, hộ nghèo huyện Giồng Riềng giảm còn 1,7%, thu nhập bình quân đạt 57 triệu đồng/người/năm, tăng gần 2,3 lần so năm 2011.
Phi lê cá lóc là đặc sản của vùng nông thôn Kiên Giang. |
Phát triển chương trình mỗi xã một sản phẩm
Nhằm nâng cao thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế - xã hội, Giồng Riềng đã triển khai thực hiện Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025”. Theo đó, giai đoạn 2019 - 2020, huyện Giồng Riềng đã từng bước có chính sách hỗ trợ chuẩn hóa các sản phẩm đặc trưng của địa phương, trong đó 2 sản phẩm là bánh tráng Thạnh Hưng Mạnh Tài và mắm cá lóc Tám Dô được công nhận sản phẩm OCOP 3 Sao cấp tỉnh, kết hợp hỗ trợ phát triển và thương mại hoá sản phẩm OCOP từ cấp huyện, xã theo chu trình thường niên. Đến nay đã có nhiều địa phương trong huyện sản xuất các sản phẩm đặc trưng như rượu đế Hoa Hải Đường, bánh tráng ở xã Thạnh Hưng; mắm Tám Dô ở xã Ngọc Thuận; trà Mãng Cầu Xiêm 2 Đậu xã Thạnh Hòa; nước mắm Hương Đồng xã Hòa An. Đây đều là những sản phẩm đã và đang được nhiều người tiêu dùng biết đến.
Trong giai đoạn 2021 – 2025, Giồng Riềng tiếp tục đưa chương trình OCOP đi vào chiều sâu. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, ngành nông nghiệp huyện đã chỉ đạo các địa phương bám sát các nội dung Đề án, xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện đúng lộ trình, hiệu quả. Ngoài ra, huyện đẩy mạnh công tác truyền thông, khuyến khích các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất tích cực tham gia chương trình OCOP gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Qua đó, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng. Nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại đưa sản phẩm OCOP đến với thị trường.
Công tác chăm lo gia đình chính sách được Đảng bộ và chính quyền đặc biệt quan tâm, mức sống các gia đình chính sách cơ bản ổn định, nhiều gia đình đã phát huy truyền thống cách mạng, gương mẫu đi đầu trong xây dựng nông thôn mới. Bằng nguồn ngân sách, sự đóng góp của nhân dân, trong 9 tháng đầu năm 2021, huyện cất mới và sửa chữa 148 căn nhà tình nghĩa với kinh phí gần 7,2 tỷ đồng.
K.Chi