Kiểm soát và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 nhìn chung phát triển khá ổn định. Giá nhà ở trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 không có nhiều biến động lớn, lượng hàng tồn kho giảm mạnh.
Tính đến ngày 20/8, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 23.692 tỉ đồng, so với lúc đỉnh điểm ở quý 1/2013 đã giảm 104.856 tỉ đồng (tương đương 81,57%); so với tháng 12.2016 giảm 7.331 tỉ đồng (23,63%); so với 20.12.2017 giảm 1.690 tỉ đồng (6,66%); so với 20.7.2018 giảm 158 tỉ đồng.
Đặc biệt, trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến nay đã có khoảng 25.639 căn hộ condotel, officetel, tập trung chủ yếu ở Hà Nội, TP. HCM và Đà Nẵng. Ngoài ra, còn có hàng chục nghìn căn condotel, officetel do các địa phương thẩm định, cấp phép theo thẩm quyền.
Bộ Xây dựng đã đưa ra nhiều giải pháp để để đảm bảo cho thị trường bất động sản phát triển ổn định, không xảy ra bong bóng. |
Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND các tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang có biện pháp kiên quyết và có hiệu lực để chấn chỉnh công tác quản lý đất đai, rừng, môi trường và xây dựng, ngăn chặn tình trạng mua bán đất đai và xây dựng trái phép đang diễn ra phức tạp tại Phú Quốc, Bắc Vân Phong, Vân Đồn bảo đảm trật tự xã hội, không để cò đất, xã hội đen mua bán đất lộng hành đẩy giá lên cao trên địa bàn.
Các địa phương cũng đã có một số động thái nhằm ngăn chặn việc giá đất tăng đột biến, ngăn chặn việc tách thửa, giao dịch khiến thị trường bất động sản tại các khu vực nêu trên đang dần ổn định trở lại.
Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc tiếp tục tăng đều qua các năm, năm 2017 đạt khoảng 23,4m2 sàn/người (tăng 0,6m2 sàn/người so với năm 2016). Tính đến hết tháng 8.2018, diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 23,7m2 sàn/người (tăng 0,3m2 sàn/người so với năm 2017).
Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường bất động sản, tiếp tục đề xuất các giải pháp kiểm soát và thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh.
Việc “siết” tín dụng vào bất động sản, theo nhiều chuyên gia tài chính, là xu hướng dài hạn của ngành Ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung. Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho rằng, việc kiểm soát chất lượng tín dụng, cũng như hạn chế cho vay các lĩnh vực nhiều rủi ro là cần thiết. Trong bối cảnh hiện nay, các chủ đầu tư bất động sản cần tránh phụ thuộc vào vốn tín dụng và ngân hàng cũng thận trọng khi cho vay lĩnh vực bất động sản, kể cả cho vay nhỏ, lẻ…
Về phía Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, để đảm bảo cho thị trường bất động sản phát triển ổn định, không xảy ra bong bóng, cần thắt chặt nguồn tín dụng, giảm hạn mức cho vay đối với các dự án bất động sản cao cấp và một chủ đầu tư có nhu cầu vay số lượng lớn cho nhiều dự án bất động sản. Nới lỏng tín dụng, tăng hạn mức cho vay đối với các dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà ở phân khúc bình dân, giá thấp.
Cùng với đó, để bảo đảm an toàn cho hệ thống tín dụng, phải xác định việc cho vay để mua nhà ở, bất động sản cần được kiểm soát chặt chẽ, nhất là các đối tượng mua bất động sản để đầu cơ.
Đồng thời, cần sớm ban hành chính sách thuế để chống đầu cơ trong lĩnh vực bất động sản (sửa đổi, bổ sung Luật Thuế đất phi nông nghiệp hiện hành hoặc ban hành Luật Thuế tài sản) theo hướng đánh thuế cao đối với các trường hợp có nhiều nhà đất, đánh thuế cao đối với các trường hợp mua bất động sản rồi bán trong thời gian ngắn và ủy quyền cho Chính phủ được điều chỉnh mức thuế giao dịch bất động sản để kịp thời bình ổn thị trường khi xảy ra diễn biến bất thường.
Ngoài ra, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ hoàn thiện và đưa vào vận hành hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản theo Nghị định số 117/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ để góp phần vào việc công khai, minh bạch thị trường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng cho biết, trong năm 2018, bên cạnh việc kịp thời đề xuất, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ những giải pháp bình ổn thị trường bất động sản trong ngắn hạn, Bộ Xây dựng đang hoàn thiện để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các đề án nhằm theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường bất động sản; đề xuất các phương án, giải pháp kiểm soát và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển bền vững.
Trong đó, trọng tâm là 2 đề án: "Đánh giá tình hình, dự báo xu hướng, đề xuất các giải pháp thị trường, cơ chế chính sách quản lý để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh" và "An ninh kinh tế trong lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản đảm bảo an sinh xã hội" đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ trong Chương trình xây dựng thể chế năm 2018.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng tin rằng, nếu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì những đề án nói trên khi đi vào cuộc sống sẽ góp phần quan trọng kiểm soát tốt thị trường bất động sản, đảm bảo thị trường phát triển đúng định hướng, lành mạnh và hiệu quả, tránh đổ vỡ.