Không tự chủ tài chính thì không thể tự chủ về bộ máy nhân sự
![]() |
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, Chính phủ sẽ cho các trường đại học, cao đẳng tự chủ về chuyên môn. Về tài chính, các trường được tự chủ về nguồn thu và chi.
Trong nguồn thu của các trường có một phần được cấp từ ngân sách Nhà nước chứ không phải là cấp phát cào bằng như trước mà sẽ thực hiện theo hướng nơi nào cần giao nhiệm vụ thì kèm theo kinh phí để thực hiện. Còn có những gì mà xã hội, doanh nghiệp cần thì đặt hàng thông qua các chương trình hỗ trợ cho sinh viên.
Nguồn thu thì phải huy động từ nhiều nguồn như huy động doanh nghiệp, xã hội và cũng có nguồn từ học phí của sinh viên. Khi các trường điều chỉnh học phí thì phải có cơ chế đồng bộ để đảm bảo cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ một phần học phí hay học bổng toàn phần.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, hiện Bộ đang xây dựng Nghị định về tự chủ đại học, coi đây là khâu đột phá để tăng cường hiệu quả quản lý ở bậc đào tạo này.
Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị duy trì cấp ngân sách cho các trường đại học công lập 3 năm, tới năm 2020. Sau khi trường vững vàng về cơ chế tài chính thì sẽ chuyển sang cơ chế tự chủ cao hơn nữa.
Về vấn đề tự chủ ở các trường đại học, trước hết là tự chủ về tài chính. Không tự chủ tài chính thì không thể tự chủ về bộ máy nhân sự còn những quyền hạn khác như tuyển dụng, xây dựng chương trình thực chất chỉ là phân quyền, giao nhiệm vụ chứ không phải là tự chủ. Việc tự chủ đại học nhằm tiến tới tạo thị trường cạnh tranh giữa các trường dựa vào chất lượng. Từ đó, các trường sẽ hoạt động với tư cách pháp nhân độc lập theo quy định của pháp luật.
Lãnh đạo nhiều trường ĐH nhận định, việc nhiều người quan niệm tự chủ đại học đồng nghĩa với việc các trường được quyền tăng học phí là phiến diện và chưa đầy đủ. Tự chủ đại học là xu thế của phát triển. Không thể tạo ra đổi mới đột phá trong giáo dục đại học nếu các trường đại học công chỉ dựa vào nguồn kinh phí có hạn của Nhà nước.
Phó Giáo sư Trần Văn Tớp – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội khẳng định, tự chủ đại học chính là trao nhiều quyền quyết định cho cơ sở đào tạo đại học, không chỉ tăng học phí. Trước đây, các trường đại học công lập chưa tự chủ được Nhà nước bao cấp và cấp kinh phí hỗ trợ theo số lượng sinh viên. Nếu được tự chủ thì nguồn kinh phí chi thường xuyên “bao cấp” của Nhà nước sẽ bị cắt.
Riêng về học phí tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội, đối với các sinh viên nhập học năm học 2017 - 2018 trở đi, trường Đại học Bách khoa Hà Nội thực hiện cơ chế thu và quản lý học phí với mức thu học phí bình quân tối đa của chương trình đào tạo đại trà trình độ đại học chính quy không vượt quá 16 triệu đồng/năm.
Bên cạnh đó, PGS Trần Văn Tớp cũng nêu rõ, khi thực hiện tự chủ, trường đã có những chính sách gì nhằm khuyến khích sinh viên và cơ chế giám sát nào để nâng cao chất lượng đào tạo, bao gồm:
- Hỗ trợ toàn bộ phần chênh lệch giữa mức học phí của Trường với mức học phí được miễn giảm theo quy định của Nhà nước đối với các em sinh viên thuộc đối tượng được hưởng chế độ chính sách theo quy định kể từ khóa tuyển sinh năm học 2017 - 2018.
- Nhà trường cũng cam kết xây dựng, thực hiện chính sách học bổng, khuyến khích học tập dành cho sinh viên xuất sắc và sinh viên là đối tượng chính sách.
- Nhà trường cam kết mức tăng học phí sẽ dành để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phòng học, phòng thí nghiệm và nâng cao chất lượng đào tạo. Hiện tại 80% các phòng học đã được trang bị điều hoà không khí, hệ thống màn chiếu, máy chiếu, âm thanh và đặc biệt mạng wifi miễn phí.