Không thi được vào ngân hàng 'big4', tôi trở thành 'cái gai' trong mắt gia đình
Ở vào tuổi 23, khi phần lớn bạn bè đều đã ổn định công việc và bằng lòng với cuộc sống hiện tại, tôi lại luôn sống trong những ngày tháng căng thẳng tột độ chỉ vì mình không thi đậu vào ngân hàng.
Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo thuộc tỉnh An Giang. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã là niềm tự hào của ba mẹ khi luôn cố gắng vượt qua áp lực học tập, cái áp lực do chính ba mẹ tôi tạo ra.
Hồi đó, tôi thường bị ba mẹ đem ra so sánh với “con nhà người ta” để rồi buộc tôi phải bắt kịp hoặc vượt qua bạn bè về điểm số, đến mức tôi chán ghét việc học vì nghĩ rằng mình đang không học cho mình.
Suy nghĩ ấy không hoàn toàn vô căn cứ khi ngày tôi đăng ký nguyện vọng thi đại học, dù không hề muốn nhưng để chiều theo ý ba mẹ, tôi đành đăng ký học ngành Tài chính – Ngân hàng. Lý do khiến ba mẹ mong muốn tôi học ngành này vì trong gia đình có anh chị họ làm ngân hàng, là hình mẫu của sự thành đạt mà ba mẹ luôn hướng đến cho tôi.
Không đủ tiền để học đại học tại thành phố Hồ Chí Minh dù có giấy gọi nhập học, tôi đăng ký học chuyên ngành này tại một trường đại học ở tỉnh nhà.
Dẫu vậy, tôi vẫn cứ là niềm tự hào của ba mẹ vì là người đầu tiên ở xóm nghèo được đi học đại học. So với các anh chị em trong gia đình, tôi cũng là người hiếm hoi được bước chân vào giảng đường đại học.
Ở quê tôi, việc cha mẹ có con cái làm việc trong một ngân hàng hay một công ty lớn luôn là niềm tự hào đối với họ. Như đã nói ở trên, vì gia đình tôi có anh chị làm ngân hàng nên ba mẹ cũng bắt tôi phải học ngành mà mình không thích, rồi thúc giục tôi xin vào làm việc tại ngân hàng sau khi tôi vừa cầm tấm bằng tốt nghiệp trên tay, dù là ngân hàng ở gần nhà hay trên thành phố.
Ảnh minh họa. |
Phải nói thật là tôi thua thiệt với chúng bạn về ngoại hình nên việc được việc làm trong ngân hàng, với tôi khá khó khăn. Hơn nữa, tôi còn đang trong quá trình hoàn thiện bản thân, chưa có một chút kinh nghiệm thực tiễn. Với đầy rẫy những khiếm khuyết, sự tự ti như vậy, tôi đã bị loại không thương tiếc khi nộp hồ sơ xin ứng tuyển vào một ngân hàng lớn thuộc nhóm “big4”.
Đây là kết quả được bản thân tôi dự báo từ trước, nhưng lại là cú sốc lớn đối với gia đình tôi. Tôi buồn vì thất nghiệp một phần, nhưng buồn hơn khi mình bị chính những người thân yêu trong gia đình quay ra chỉ trích vì làm họ không thể nở mày nở mặt với họ hàng, làng xóm. Bản thân đã rất stress, lại phải chịu thêm áp lực từ phía gia đình khiến cho tôi có nhiều suy nghĩ tiêu cực.
Suốt ngày tôi chỉ nghe ba mẹ hối thúc xin việc, mà phải xin vào ngân hàng hoặc công ty lớn, nhưng chưa bao giờ tôi được nghe ba mẹ quan tâm, hỏi thăm về sức khỏe cũng như nguyện vọng của mình. Đã nhiều lần tôi ngỏ ý với mẹ rằng mình muốn làm lĩnh vực khác, nhưng mẹ lại mắng: "Học ngân hàng lại không làm ngân hàng, mày đi làm công nhân hay gì?”.
Thực tế tôi biết không ít cử nhân, sau khi ra trường không xin được việc làm đều trở thành công nhân trong các khu công nghiệp. Tôi cũng sẵn sàng đi làm công nhân như vậy, nhưng chắc chắn nếu làm như vậy thì nỗi thất vọng của ba mẹ sẽ lại tăng thêm.
Có lần mẹ còn mắng “con gái hai mươi mấy tuổi rồi còn chưa có gì trong tay”. Không những vậy, từ khi ra trường đến nay, kể cả trong lúc quê tôi bùng phát dịch Covid-19, bà con hàng xóm cũng luôn hỏi tôi và mẹ về vấn đề việc làm của tôi. Thậm chí, mọi người còn bàn tán, soi mói khiến tôi cảm thấy khá khó chịu.
Thực sự tôi đang cảm thấy tự ti, stress hơn bao giờ hết khi mình không đáp ứng được kỳ vọng của gia đình. Chưa bao giờ tôi cảm thấy bất hạnh và cô đơn trong chính ngôi nhà của mình như bây giờ.
Nuôi dạy con: Không thể không so sánh, nhưng cần so sánh hợp lý
Có con, ta học được cách chấp nhận, gồng mình chịu đựng và chờ đợi ngày mọi chuyện chuyển biến tốt hơn.
Bạn đọc V.H.T