Không thể may mắn mãi !
Theo thông tin báo chí, khoảng 4h sáng 28/12, một đà giáo của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Hà Nội đã đổ sập khi công nhân đang đổ bê tông. Tại hiện trường khu vực ga bến xe Hà Đông (đường Trần Phú), đoạn giàn giáo bị sập nằm dài gần 10 m, sập từ độ cao khoảng 6 mét. Một chiếc taxi đi qua đó lúc dàn giáo sập. May mắn là tài xế và ba nữ hành khách thoát ra an toàn, không ai bị thương.
Với một vụ tai nạn bất ngờ và nguy hiểm như vậy, việc không có ai bị thương vong chỉ là điều may mắn ngẫu nhiên. Tuyến đường Trần Phú (Hà Đông, nối đường Nguyễn Trãi chạy vào trung tâm thành phố) là tuyến đường đặc biệt đông đúc, nhất là vào giờ cao điểm. May mắn thời điềm xảy ra tai nạn (4 giờ sáng) là thời điểm có rất ít người lưu thông trên đường nên thương vong đã không xảy ra. Cả người dân (nhất là những người vẫn hay đi qua đoạn đường đó) và đơn vị thi công đã được một phen hú vía.
Một điều đáng giật mình là cũng ngay trên công trường xây dựng tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông các đây gần 2 tháng (ngày 6/11) cũng đã xảy ra một vụ tai nạn rơi 1 bó sắt từ cần cẩu khiến 1 người đi đường tử vong (và được coi là may mắn vì chỉ có 1 người chết). Vị trí xảy ra tai nạn rơi sắt chỉ cách vị trí vụ tai nạn sập đà giáo khoảng 4 km. Cũng vì vụ tai nạn rơi sắt này mà công trình đã bị đình chỉ thi công gần 1 tháng để rà soát lại các biện pháp bảo đảm toàn. Rất nhiều lời cảnh báo, nhiều đánh giá, chỉ đạo đã được đưa ra, một số cá nhân chịu trách nhiệm trong thi công công trình đã bị xử lý nghiêm khắc.
Những tưởng những bài học đắt giá từ vụ tai nạn rơi sắt đã được quán triệt nghiêm túc. Những biện pháp bảo đảm an toàn sẽ được tăng cường tối đa khi công trường thi công trở lại. Vậy mà tai nạn vẫn xảy ra, với quy mô lớn hơn và tính chất nguy hiểm hơn.
Thông tin ban đầu từ Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), qua kiểm tra và đánh giá sơ bộ cho thấy giáo chống thi công đổ bê tông xà mũ số 7 (H07) tại khu vực ga bến xe Hà Đông không đảm bảo an toàn dẫn đến bị sập trong khi đang đổ bê tông xà mũ này.
Có thể nói đây là một nguyên nhân hết sức thông thường, một lỗi sơ đẳng về kỹ thuật, chứng tỏ sự cẩu thả, vô trách nhiệm của nhà thầu thi công, cả thầu chính và thầu phụ (gồm Tổng thầu EPC là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc, còn thầu phụ là Công ty Cổ phần Tư vấn Công nghệ và Đầu tư xây dựng Việt Nam (Vinacontech)). Đương nhiên, các đơn vị tư vấn giám sát thuộc Ban Quản lý dự án của Bộ GTVT cũng không thể không liên đới trách nhiệm.
Được biết, trong quá trình kiểm tra định kỳ, cơ quan thường trực Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng đã liên tục nhắc nhở và yêu cầu chủ đầu tư cùng các bên liên quan nghiêm túc thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn trong thi công của dự án này. Nhưng dường như những lời cảnh báo từ vụ tai nạn rơi sắt cũng như những nhắc nhở nghiêm khắc của các cơ quan quản lý nhà nước đã bị các đơn vị thi công hoàn toàn để ngoài tai. Vì những lợi ích cục bộ, trước mắt (như muốn đẩy nhanh tiến độ thi công, giảm chi phí công trình…) và tác phong làm việc thiếu chuyên nghiệp, họ đã bất chấp những yếu tố an toàn, dẫn đến xảy ra tại nạn.
Như nhiều vụ tai nạn khác, sau vụ tai nạn nêu trên, các cơ quan chức năng của Bộ GTVT và Bộ Xây dựng đang khẩn trương triển khai các biện pháp xử lý như: điều tra, làm rõ nguyên nhân, xử lý trách nhiệm cá nhân và tập thể, đề ra các giải pháp an toàn…Nhưng điều mà người dân quan tâm, nhất là những người sống gần công trường và những người vẫn lưu thông hằng ngày trên tuyến đường đang thi công vẫn là hết sức đơn giản: không phải nơm nớp lo sợ bị sắt thép, gạch đá bất thần rơi xuống đầu. Bởi may mắn không thể xảy ra mãi được.
Đăng Vũ