Không quân Mỹ sẽ phát triển tên lửa hành trình siêu thanh
USAF đã hợp tác với Cơ quan Nghiên cứu Dự án Quốc phòng Tiên tiến (DARPA), bộ phận nghiên cứu thuộc Lầu Năm Góc, để tài trợ cho việc phát triển công nghệ như là một phần của chương trình vũ khí siêu thanh trên không (HAWC) - Defence Tech cho hay.
Trong những tuần gần đây, DARPA đã trao cho tập đoàn Raytheon Co. và tập đoàn Lockheed Martin các hợp đồng trị giá 170 triệu USD nhằm phát triển các loại vũ khí siêu thanh trên không.
Trang web của DARPA tiết lộ: những loại tên lửa mới có khả năng đạt tốc độ thấp nhất là Mach 5, tức gấp 5 lần tốc độ âm thanh và có tầm hoạt động xa hơn, thời gian đáp ứng nhanh hơn. Với tốc độ tương đương gần 5.500km/giờ nói trên, một tên lửa siêu thanh có thể bay từ Washington DC tới Atalanta chỉ trong vài phút.
Mô phỏng mẫu máy bay siêu thanh X-51A WaveRider. (Ảnh: USAF) |
“Những cuộc trình diễn (vũ khí siêu thanh) này nhằm tìm cách mở ra cánh cửa cho những nhiệm vụ đáp ứng tầm xa mới, nhằm chống lại các mục tiêu được bảo vệ hoặc đòi hỏi ngặt nghèo về thời gian” - tuyên bố trên trang chủ của DARPA nêu rõ.
Hồi đầu năm, tập đoàn Lockeed Martin đã chào hàng về cái mà họ gọi là “một bước đột phá” trong công nghệ siêu thanh. Điều này đã làm dấy lên tham vọng phát triển một loại máy bay do thám siêu thanh cho quân đội Mỹ.
Không quân Mỹ muốn tiếp tục xây dựng máy bay này dựa trên những nỗ lực nghiên cứu của mình từ trước đó. Năm 2013, USAF từng tiến hành một chuyến bay thứ 4 và cũng là dài nhất của mẫu máy bay X-51 WaveRider, sản phẩm hợp tác thử nghiệm giữa lực lượng này với hãng Boeing.
Tên lửa siêu thanh P-270 Moskit do Nga phát triển |
Sau khi tách khỏi tên lửa đẩy phóng đi từ một chiếc oanh tạc cơ B-52, chiếc X-51 WaveRider đã đạt độ cao hơn 18 km, tăng tốc với Mach 5,1 (gần 6.250km/giờ). Tiếp đó, nó bay được khoảng 3 phút rưỡi trên không trung rồi hết nhiên liệu và rơi xuống Thái Bình Dương.
Chương trình WaveRider, trong đó có một vài lần thử nghiệm thất bại, được triển khai chỉ vài năm sau khi Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) nỗ lực phát triển dự án tương tự mang tên X-43 nhưng không thành công.
Hồi năm 2004, một thử nghiệm thuộc dự án máy bay siêu thanh X-43 đã phá vỡ kỷ lục tốc độ khi đạt tới gần Mach 9,7 (tức khoảng 11.900km/giờ) trong khoảng 10 giây. Tuy nhiên, ở vận tốc kỷ lục này, động cơ của máy bay đã không thể chịu được nhiệt độ quá cao.
Được biết, một số tập đoàn khác - như người khổng lồ trong ngành quốc phòng BAE Systems của Anh, cũng như các nước như Nga, Trung Quốc - cũng đang nỗ lực phát triển tên lửa hành trình siêu thanh và công nghệ tương tự.