Không dễ thay đổi thói quen tiêu dùng hàng Việt
Không phải đợi đến thời điểm sức mua thị trường suy giảm chợ truyền thống mới bộc lộ sự đuối sức mà từ 2-3 năm nay, tiểu thương các chợ tại TPHCM đã ngắc ngoải.
Bỏ sạp
Hơn 9 giờ ngày chủ nhật 20-5, khu nhà lồng chợ Phú Lâm (quận 6 - TPHCM) loe hoe vài khách. Ngồi giữa sạp hàng hóa mỹ phẩm, chị Đặng Ngọc Trang chăm chú đọc báo. “Chợ vắng quá, có khi bán cả ngày lời chưa được 100.000 đồng nên không muốn dọn hàng ra. Khách hàng bỏ chợ hết, chỉ còn lại một ít khách quen và khách vãng lai mới ghé” - chị Trang than thở.
Nhiều tiểu thương ở chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình – TPHCM) đóng sạp vì buôn bán ế ẩm (ảnh chụp ngày 23-5).
Theo nhiều tiểu thương tại đây, chợ ế đến mức sạp buôn bán lỗ lã, phải đóng cửa bỏ không chứ chẳng ai sang lại, cho thuê càng khó. Một số người “tay ngang” ra thuê sạp, không có khách quen, cả ngày không thu được đồng nào nên chỉ 1-2 tháng là… dẹp sạp. Tại các chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình)…, tình hình cũng không khá hơn. Nhiều tiểu thương ngành ăn uống và thực phẩm tươi sống đã xin nghỉ bán vì mãi lực giảm đến 30% - 35% so với cùng kỳ các năm trước.
Không chỉ tiểu thương chợ lẻ rầu rĩ vì mất khách, tiểu thương chợ sỉ cũng lao đao. Cô Ứng Thị Liên, tổ trưởng ngành hàng bánh mứt chợ Bình Tây (quận 6), cho biết mấy năm nay, năm sau luôn ảm đạm hơn năm trước. Tiểu thương chợ sỉ mà cả ngày thu vô chưa tới 1 triệu đồng; mở hàng từ 6 giờ đến 10 giờ không xuất được đơn hàng nào. Cộng sổ từ đầu năm đến nay toàn lỗ, hàng bán từ trước Tết vẫn chưa thu tiền được vì bạn hàng cứ than khó, nợ dây dưa.
Sức mua suy giảm đã ảnh hưởng nặng nề đến các chợ. Ngay cả những mặt hàng mùa vụ như áo mưa, bạt che hay hàng thế mạnh là quần áo, giày dép bình dân cũng khó bán. Làm ăn đã khó, các loại thuế, phí năm 2012 tăng trong khi rất khó tiếp cận hoặc vay vốn ngân hàng… càng tăng áp lực lên tiểu thương. Nhiều hộ kinh doanh chọn giải pháp thu hẹp quy mô, tạm ngưng kinh doanh để không phải đóng thuế, phí (chỉ phải đóng 1/2 phí bảo vệ).
Tiếp sức cho chợ
Theo Sở Công Thương TPHCM, từ đầu năm đến nay, mãi lực chung của các chợ truyền thống trên địa bàn TP giảm khoảng 10% so với cùng kỳ. Ngược lại, mãi lực các siêu thị tăng 10% - 20%. Chợ truyền thống đang trong tình trạng lỡ cỡ: không cạnh tranh lại với siêu thị về độ tiện lợi, các chương trình khuyến mãi, an toàn vệ sinh thực phẩm và không cạnh tranh lại các chợ tự phát về giá.
Theo các chuyên gia thương mại, chợ truyền thống đang bộc lộ nhiều điểm yếu. Ngoài công tác quản lý lỏng lẻo, hầu hết các chợ xây từ trước năm 1975, nay xuống cấp, hư hỏng trầm trọng khiến khách hàng bất tiện khi mua sắm. Tình trạng bán không đúng giá niêm yết; hàng nhái, hàng giả, hàng không có nguồn gốc rõ ràng, thói quen tiêu dùng thay đổi cũng ảnh hưởng mạnh đến sự tồn tại của chợ truyền thống. Đa số người tiêu dùng không còn chuộng thịt “nóng”, chuyển sang sử dụng gia súc, gia cầm giết mổ công nghiệp, được bảo quản trong điều kiện nhiệt độ phù hợp, kiểm soát chất lượng theo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, sức hút từ các cửa hàng tiện lợi và siêu thị đã khiến người tiêu dùng gần như bỏ chợ. Công nhân viên chức, người có thu nhập khá đi siêu thị thường xuyên hơn đi chợ; người thu nhập thấp cũng chuyển sang mua sắm ở cửa hàng tiện lợi, siêu thị để “săn” hàng khuyến mãi.
Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết sở vừa chỉ đạo rà soát lại hoạt động của các chợ để có hướng hỗ trợ kịp thời. Sở Công Thương cũng đang làm việc với CLB Hàng Việt Nam chất lượng cao cùng Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM để giới thiệu các doanh nghiệp có uy tín, thương hiệu đưa hàng vào chợ truyền thống. Sở cũng kêu gọi các doanh nghiệp này có chính sách ưu đãi, khuyến mãi cho kênh phân phối chợ, tăng quảng bá cho chợ… Hiện TPHCM khuyến khích cải tạo, nâng cấp chợ thông qua xã hội hóa, bước đầu đã triển khai khá tốt tại một số chợ ở huyện Hóc Môn, đồng thời tổ chức các khóa huấn luyện, đào tạo miễn phí cho tiểu thương về kỹ năng bán hàng, văn hóa ứng xử…