“Không chứng minh được có tội đúng trình tự phải coi là vô tội”
Hiện nay, Quốc hội khóa XIII đang từng bước thảo luận để ban hành Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi). Câu chuyện giảm oan sai trở nên bức thiết hơn bao giờ hết trước những vụ án oan liên tiếp xảy ra trong thời gian vừa qua.
Tại Dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự đã có nhiều điểm tiến bộ nhằm cụ thể hóa nguyên tắc suy đoán vô tội và quyền im lặng. Tuy nhiên, ngay tại nghị trường Quốc hội cũng còn có những ý kiến khác nhau về nội dung của dự thảo. Để góp thêm tiếng nói cùng Quốc hội bàn về nguyên tắc suy đoán vô tội, một số luật sư có ý kiến góp ý gửi báo điện tử Infonet.
Suy đoán vô tội là một trong những nguyên tắc cơ bản, được ứng dụng rộng rãi trong nền khoa học pháp lý hiện đại. Ngày nay, nguyên tắc suy đoán vô tội được nhiều Nhà nước coi là nguyên tắc của tố tụng hình sự, được đánh giá là thành tựu vĩ đại của văn minh pháp lý trong việc bảo vệ quyền con người.
Nguyên tắc này đã được công nhận trong Tuyên ngôn Nhân quyền năm 1948, Công ước quốc tế về Quyền chính trị, dân sự năm 1966 của Liên hiệp quốc. Nguyên tắc suy đoán vô tội được Việt Nam cam kết thực hiện thông qua sự kiện Việt Nam gia nhập Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị ngày 24/9/1982.
Chính vì tầm quan trọng như vậy nên trong những năm qua, nguyên tắc suy đoán vô tội luôn được sự quan tâm, không chỉ được đề cập rất nhiều trong những hội nghị khoa học và các hội nghị về tư pháp mà còn trở thành một yêu cầu bức thiết trong hoạt động xây dựng pháp luật cũng như trong hoạt động thực tiễn..
Hiến pháp 2013 của Việt Nam có nhiều điểm mới, trong đó quy định cụ thể hơn về các quyền con người và nguyên tắc suy đoán vô tội (Khoản 1, Điều 31). Tiếp theo Hiến pháp, đòi hỏi các văn bản luật và các văn bản dưới luật phải cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp để ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ các quyền cơ bản của công nhân và nguyên tắc suy đoán vô tội trong tố tụng hình sự.
Vậy nguyên tắc suy đoán vô tội là gì ? Điều 11, Tuyên ngôn về quyền con người tuyên bố: “Mọi người, nếu bị cáo buộc về hình sự đều có quyền được coi là vô tội cho đến khi được chứng minh là phạm tội theo pháp luật, tại một phiên tòa xét xử công khai, nơi người đó được bảo đảm những điều kiện cần thiết để bào chữa cho mình”.
Khoản 2, điều 14 của ICCPR cũng ghi nhận “Người bị cáo buộc là phạm tội hình sự có quyền được coi là vô tội cho tới khi hành vi phạm tội của người đó được chứng minh theo quy định của pháp luật”.
Về tổng quát, quyền được suy đoán vô tội phải đồng thời đảm bảo cả 3 nội dung:
Thứ nhất, Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của tòa án.
Thứ 2, Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về bên buộc tội, người bị buộc tội không có nghĩa vụ chứng minh nhưng có quyền đưa ra các chứng cứ và các yêu cầu chứng minh họ không phạm tội hoặc những tình tiết giảm nhẹ TNHS.
Thứ 3, Mọi nghi ngờ về tội phạm của người bị tình nghi phạm tội nếu không được loại trừ theo trình tự thủ tục pháp luật quy định thì phải được giải thích theo hướng có lợi cho người bị tình nghi. Quay trở lại với dự thảo Luật TTHS, Điều 10 đã kế thừa tinh thần của các điều 9, điều 10 BLTTHS 2003 và bổ sung thêm nguyên tắc mới: Điều 10. Suy đoán vô tội (sửa đổi, bổ sung)
1. Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
2. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh sự vô tội của mình. Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
3. Mọi hoài nghi về tội của người bị buộc tội nếu không thể làm sáng tỏ theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì phải xử lý theo hướng có lợi cho họ.
Như vậy, nguyên tắc này đã thể hiện đầy đủ tinh thần của nguyên tắc suy đoán vô tội. Đây là một bước đi đúng đắn, cấp tiến và phù hợp với xu thế chung của nhân loại. Việc bổ sung nguyên tắc suy đoán vô tội có ý nghĩa rất lớn trong công cuộc bảo vệ quyền con người nói chung và quyền con người trong TTHS nói riêng. Cụ thể:
Thứ nhất, Nguyên tắc suy đoán vô tội góp phần đáp ứng được yêu cầu chứng minh trong vụ án hình sự, tránh việc bức cung, nhục hình. Hiện nay, mô hình tố tụng của chúng ta vẫn mang nhiều đặc trưng của mô hình tố tụng thẩm vấn (tố tụng xét hỏi). Đặc điểm của mô hình này được tiến hành chủ yếu dưới các hình thức viết, bí mật và không trực diện; nguyên tắc việc thừa nhận lỗi của bị can bị cáo là chứng cứ quyết định và suy đoán có tội đối với người bị tình nghi. Sẽ thật không công bằng khi cơ quan có trách nhiệm xác định sự thật của vụ án, lại đồng thời có trách nhiệm chứng minh có tội đối với người bị tình nghi (Điều 10 BLTTHS 2003).
Do đó, đồng thời quy trách nhiệm chứng minh tội phạm là của cơ quan tiến hành tố tụng và đồng thời suy đoán có lợi cho người bị tình nghi sẽ góp phần công bằng hơn trong chứng minh trong TTHS.
Thứ hai, nguyên tắc suy đoán vô tội góp phần bảo vệ hiệu quả quyền con người của bị can, bị cáo. Nếu cơ quan tiến hành tố tụng có chức năng buộc tội không thể chứng minh được bị can, bị cáo có tội. Thì người bị tình nghi có quyền, nhưng không cần thiết chứng minh mình vô tội mà mặc nhiên là người vô tội. Quyền im lặng là một biểu hiện rõ nét của nguyên tắc suy đoán vô tội, tạo cơ hội để thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội.
Thứ ba, nguyên tắc suy đoán vô tội đảm bảo cho người bị tình nghi không bị bức cung, nhục hình. Ngoài một số các quyền bị hạn chế áp dụng đối với người bị tình nghi theo quy định của pháp luật thì họ vẫn là người chưa có tội. Vì thế không được phép phân biệt đối xử, trong trường hợp oan sai phải công khai xin lỗi, và bồi thường cho người bị oan, sai. Góp phần hạn chế hơn nữa các vụ án oan sai.
Thứ tư, quyền im lặng và nguyên tắc suy đoán vô tội đảm bảo quyền được bào chữa của người bị tạm giữ, bị can bị cáo. Rất nhiều trường hợp trên thế giới, do thiếu hiểu biết pháp luật, do bị bức cung, nhục hình mà người bị tình nghi phải thừa nhận những hành vi mà mình không thực hiện, thừa nhận những tội danh mà mình không vi phạm. Từ đó cơ quan tố tụng “xây dựng” một bộ hồ sơ theo hướng “dựng tội” với bị can, bị cáo. Đó là nguyên nhân dẫn đến oan sai. Quyền im lặng là căn cứ để thực hiện tốt hơn quyền được bào chữa, tăng cường phản biện trong tố tụng để tìm ra sự thật khách quan, đảm bảo việc xét xử được công minh, giảm bớt oan sai. Tóm lại, quyền im lặng và suy đoán vô tội là nguyên tắc tiến bộ. Nguyên tắc này bảo vệ chính sách nhân đạo của pháp luật hình sự và lợi ích của người bị truy cứu trách nhiệm hình sự là khi cơ quan tố tụng không chứng minh được hành vi phạm tội thì phải suy đoán theo hướng ngược lại.
Ngoài ra, nguyên tắc suy đoán vô tội cũng đặt ra yêu cầu cao hơn cho những người tiến hành tố tụng trong việc chứng minh tội phạm: Họ không thể làm sai mà vẫn áp đặt ý chí chủ quan của mình để kết tội nghi can. Hơn nữa, nguyên tắc này đảm bảo tính pháp chế trong Bộ luật Tố tụng hình sự, là nhân tố phát triển tính đúng đắn của lĩnh vực tố tụng hình sự.
Việc quy định cụ thể quyền im lặng để thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội trong tố tụng hình sự là bức thiết trong hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay. Quy định này sẽ là một trong những tiến bộ của hệ thống pháp luật nước nhà, góp phần thực hiện công cuộc cải cách tư pháp, nâng cao năng lực trách nhiệm của người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng và đảm bảo thực thi quyền con người.
Luật sư Huỳnh Kim Ngân, Trưởng Văn phòng Luật sư Chân Thiện Mĩ (Đoàn luật sư TpHCM) cho rằng:
Theo dự thảo thì quy tắc này được ghi tại Điều 10 gồm 3 khoản.
- Tại khoản 1, nó được chép lại từ Khoản 1 Hiến pháp , còn về nội dung không khác mấy khi so với quy định tại điều 9 của BLTTHS hiện hành. “ Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.
- Tại khoản 2, được chép lại một phần của Điều 10 BLTTHS hiện hành. “Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh sự vô tội của mình. Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng”.
- Như vậy, điểm mới của Điều luật này thể hiện tại khoản 3 : “Mọi hoài nghi về tội của người bị buộc tội nếu không thể làm sáng tỏ theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì phải xử lý theo hướng có lợi cho họ”.
Khoản 1, khoản 2 thể hiện nội dung mang tính cơ bản, quy chuẩn không những đã được ghi nhận tại Điều 31 Hiến Pháp mà còn được quy định trong Bộ luật TTHS hiện hành, hoàn toàn khô có trở ngại gì trong quá trình áp dụng vào thực tiễn.
Tuy nhiên, Khoản 3 Điều 10 của Dự thảo Bộ Luật TTHS chính là điểm nhấn cho cả điều luật quy định về “nguyên tắc suy đoán vô tội”. Rất tiếc, nội dung tại khoản 3 Điều 10 dự thảo thì không thể hiện được khái niệm “suy đoán vô tội” mà quy định khái niệm đa nghĩa đó là “xử lý theo hướng có lợi cho họ”. Quy định này sẽ tạo ra nhiều cách hiểu về một điều luật, dẫn đến việc áp dụng tùy tiện, gây bất công trong quá trình áp dụng thực tiễn. Còn theo nghĩa đen thì cụm từ “xử lý theo hướng có lợi cho họ” hoàn toàn không đồng nghĩa với khái niệm “suy đoán vô tội”.
Như vậy, theo quan điểm cá nhân tôi thì cần phải thay đổi quy định này với nội dung “nếu không chứng minh họ phạm tội bằng trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định thì phải xem như họ không phạm tội”.