Khởi tố điều tra vụ 79 trẻ mắc sùi mào gà ở Hưng Yên
Người thân chăm sóc bé trai mắc bệnh sùi mào gà sau khi đi điều trị hẹp bao quy đầu tại một phòng khám tư ở Hưng Yên. Ảnh: H.Q. |
Liên quan vụ 79 bệnh nhi mắc bệnh sùi mào gà sau khi điều trị hẹp bao quy đầu, ngày 28/7, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hưng Yên đã khởi tố vụ án hình sự Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, theo điều 242 Bộ luật Hình sự.
Theo một cán bộ điều tra, cơ quan công an đã triệu tập những người liên quan để lấy lời khai.
Vụ việc được dư luận và cơ quan chức năng quan tâm khi Bệnh viện Da liễu Trung ương có thông báo về sự gia tăng bất thường số bé trai ở huyện Khoái Châu (Hưng Yên) mắc bệnh sùi mào gà. Theo thống kê, từ 1/5-1/7, có 59 trẻ dưới 15 tuổi đến bệnh viện điều trị căn bệnh trên. Trong số này có 39 trẻ ở tỉnh Hưng Yên (riêng huyện Khoái Châu có 37 bệnh nhân).
Sau đó, nhiều bé trai khác ở Khoái Châu tiếp tục được gia đình đưa đến Bệnh viện Da liễu Trung ương khám do mắc bệnh tương tự. Đến ngày 21/7, số trẻ được chẩn đoán bị sùi mào gà tại huyện này đã tăng lên 79.
Theo xác minh của cơ quan chức năng, các bệnh nhân trước đó đã điều trị chít hẹp bao quy đầu tại phòng khám tư nhân của y sĩ Hoàng Thị Hiền (ở xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu).
Ngày 21/7, y sĩ Hoàng Thị Hiền bị Sở Y tế Hưng Yên tạm đình chỉ chuyên môn trong 15 ngày và sẽ tiếp tục gia hạn cho đến khi làm rõ nguyên nhân hàng loạt trẻ em ở huyện Khoái Châu bị sùi mào gà.
Căn cứ kết quả xác minh, ngày 26/7, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 100 triệu đồng đối với y sĩ Hoàng Thị Hiền về 3 hành vi: Cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động; bán thuốc cho người bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh; hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn được phép.
Nội dungĐiều 242. Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác
1. Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 201 của Bộ luật này, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người khác hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt từ 7 năm đến 15 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.