Tự uống thuốc chữa Covid-19, coi chừng chưa khỏi bệnh đã suy gan
Bệnh nhân Covid-19 cần tránh sử dụng nhiều tên thuốc khác nhau nhưng có cùng hoạt chất giống nhau dẫn tới tăng men gan, suy gan
Đưa thuốc đông y Xuyên tâm liên vào điều trị BN Covid-19 có hiệu quả?
Nếu sử dụng thuốc đông y Xuyên tâm liên điều trị bệnh nhân Covid-19 nhẹ thì vừa không có hại lại rẻ tiền mà không nhất thiết phải dùng kháng sinh mạnh như bây giờ.
Chị Nguyễn Thị Đ. (Đa Phước, Bình Chánh, TP.HCM) cho biết gia đình chị có 3 người đều là F0. 5 ngày sau khi dương tính chị mới được đưa vào trung tâm cách ly. Vì sợ bệnh nặng biến chứng, cả nhà chị đều uống trước thuốc với hi vọng phòng biến chứng. Nào là các thuốc giảm đau, hạ sốt. Ngày chị uống 4 viên Effrangan, chiều chị uống Hapacol 500, Panadol. Nói chung chị chỉ thấy hơi mệt là uống thuốc.
Đến khi vào trung tâm cách ly, chị Đ. thường xuyên mệt mỏi, men gan tăng cao. Chị xin tư vấn bác sĩ mới biết mình đã ngộ độc thuốc hạ sốt, giảm đau.
Trước đó, chị Đ. được người ta hướng dẫn mua các loại thuốc để ở nhà, chị đọc hướng dẫn loại thuốc đó và dùng chứ không biết các thuốc chị uống đều có cùng thành phần Paracetamol.
Chị Nguyễn Thị Mến, nhà thuốc tại Bạch Đằng, Tân Bình, TP.HCM cho biết rất nhiều người đi mua thuốc hạ sốt và chỉ mua Effrangan hay Panadol, dược sĩ tư vấn chuyển thuốc gì cũng không nghe vì họ nói phải mua thuốc đó.
Chị Mến chỉ mong người bệnh, người nhà hiểu hơn các loại thuốc dù tên gọi khác nhau nhưng cũng có cùng hoạt chất và đều có công dụng giảm đau, hạ sốt.
Thuốc của 1 bệnh nhân Covid-19 tự mua đều là Paracetamol. |
BS Nguyễn Xuân Đạt – Phòng khám tai mũi họng ENTIC, Hà Nội cũng cho biết anh nhận được rất nhiều tin nhắn xin tư vấn của F0 và đặc biệt, có bệnh nhân chụp gửi nhờ bác sĩ tư vấn sử dụng thuốc.
Các loại thuốc bệnh nhân có đều là thuốc có thành phần Paracetamol nhưng đủ các tên khác nhau như Efferangan; Tatanol; Lessenol; Tuspi; Panadol … các loại thuốc trên với tên gọi khác nhau nhưng cùng có hoạt chất Paracetamol hay còn gọi Acetaminophen 500mg trong đó.
Nguy cơ quá liều Paracetamol (Acetaminophen) là hiện hữu nếu sử dụng đồng thời các thuốc ở trên.
Bác sĩ Đạt cho biết đối với các thuốc trên, người bệnh cần lưu ý liều Paracetamol (Acetaminophen) ở người lớn: 325mg - 1000mg cho mỗi lần uống (mỗi lần uống cách 4-6h).
Liều khuyến cáo tối đa cho một ngày (24h) là 4000mg. Nếu dùng quá liều có thể gây ngộ độc Paracetamol. Trong quá trình sử dụng thuốc trên, nếu xuất hiện triệu chứng - đau bụng, đau vùng gan, buồn nôn, nôn, vàng da... cần dừng thuốc và đến cơ sở y tế khám ngay.
TS BS Nguyễn Trung Nguyên – Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết thời gian qua bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều trường hợp ngộ độc Paracetamol. Thậm chí có trường hợp tin rằng đây là thuốc phòng Covid-19 nên đã mua về uống sẵn.
Theo bác sĩ Nguyên, Paracatamol là thuốc được Bộ Y tế đưa vào phác đồ điều trị Covid-19 khi có triệu chứng sốt. Tuy nhiên, liều lượng được phép dùng ở mức thấp.
Trong khi đó, trên mạng xã hội người ta lại hướng dẫn nhau sử dụng thuốc với liều lượng tối đa. 3 gram/ngày là liều lượng quá cao nếu người bệnh sử dụng nhiều tương tác với các thuốc khác trong cơ thể mà họ không thể biết được.
Đặc biệt, người bệnh đang sử dụng một thuốc khác như thuốc trị lao, thuốc động kinh, người thường xuyên uống rượu, suy kiệt cơ thể nếu sử dụng Paracetamol có thể bị ngộ độc.
Điều đáng tiếc đó là triệu chứng âm thầm khi phát hiện ra, bệnh nhân đã bị suy gan nặng thậm chí hôn mê gan, nguy cơ tử vong rất lớn. Vì vậy, bác sĩ Nguyên khuyến cáo người bệnh không nên lạm dụng Paracetamol mà cần thực hiện đúng liều lượng, chỉ định dùng.
Bác sĩ Đạt cho biết khi nhận tư vấn của các bệnh nhân điểm chung của họ - vô cùng hoảng loạn, mất bình tĩnh, Có trường hợp khóc trong khi bác sĩ tư vấn, bác sĩ phải động viên mới hết khóc để trao đổi được.
Ở hoàn cảnh, cả gia đình 4-5 người đều là F0, có trường hợp một mình chăm con ốm sốt, trong hoàn cảnh nhìn xung quanh đâu đâu cũng thấy vấn đề... mất bình tĩnh và lo lắng là không thể tránh khỏi.
Nhiều người lo lắng quá, ai mách thuốc gì dùng thuốc đó mà không theo tư vấn của bác sĩ. Mỗi người lại chia sẻ một thuốc, đặc biệt là các loại thuốc từ những người đã khỏi bệnh.
Trong lúc dịch bệnh, bác sĩ Đạt khuyến cáo người bệnh, người nhà cần thực sự bình tĩnh vì mất bình tĩnh sẽ làm bạn mất đi cơ hội bảo vệ chính bạn, bảo vệ gia đình bạn.
Xem xét đưa thuốc Remdesivir vào phác đồ điều trị Covid-19
Theo PGS Nguyễn Trường Sơn, Bộ Y tế đang nghiên cứu để đưa thuốc Remdesivir vào phác đồ điều trị Covid-19 và sẽ cấp phép sử dụng loại thuốc này.
Khánh Chi