Tiêm chủng nhầm vắc xin cho trẻ: Chưa thể đánh giá tác động
Sự cố tiêm nhầm vắc xin Pfizer cho trẻ nhỏ ở Yên Sơn, Quốc Oai, Hà Nội được xem là sự cố nghiêm trọng, quy trình tiêm chủng cho trẻ đã bị bỏ qua.
Hà Nội thông tin vụ tiêm nhầm vắc xin Covid-19 cho 18 trẻ: Sức khỏe của 18 cháu hiện ra sao?
Đêm muộn ngày 4/11, Sở Y tế Hà Nội thông tin ban đầu về sự cố y khoa tiêm chủng cho 18 trẻ tại huyện Quốc Oai, Hà Nội.
Theo quyết định 2670 của Bộ Y tế do PGS Nguyễn Trường Sơn – Thứ trưởng Bộ Y tế ký việc tổ chức tiêm chủng cho trẻ em từ 1 tháng tuổi trở lên đều có quy trình sàng lọc tới các bước tổ chức thực hiện.
Theo đó, đối với cơ sở tiêm chủng ngoài bệnh viện, bác sĩ, y sĩ: trực tiếp thăm khám cho trẻ và ghi các thông tin của trẻ, trực tiếp đo và ghi kết quả nhiệt độ của trẻ khi không có điều dưỡng viên, hộ sinh viên.
Cán bộ y tế khám sàng lọc trước tiêm chủng phải được tập huấn chuyên môn về tiêm chủng theo quy định tại Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2018.
Điều dưỡng viên, hộ sinh viên: Ghi các thông tin của trẻ, trực tiếp cân trẻ, đo và ghi kết quả nhiệt độ của trẻ.
Tại điểm tiêm chủng phải có nhiệt kế, ống nghe. Bảng kiểm trước tiêm chủng cho đối tượng từ 1 tháng tuổi trở lên, bảng kiểm trước tiêm chủng cho trẻ sơ sinh.
Ảnh minh hoạ. |
Các bước thực hiện khám sàng lọc trước tiêm chủng
Các bước thực hiện và điền theo bảng kiểm trước tiêm chủng bao gồm:
- Hỏi tiền sử và các thông tin có liên quan
- Đánh giá tình trạng sức khỏe hiện tại
- Kết luận
Ghi chép việc khám sàng lọc và lưu bảng kiểm toàn bộ nội dung khám sàng lọc được ghi theo bảng kiểm, lưu tại các điểm tiêm chủng. Thời gian lưu: 15 ngày.
Còn tiêm trong bệnh viện bác sĩ, y sĩ khám sàng lọc trước tiêm chủng: khám, đánh giá, phối hợp với các thầy thuốc chuyên khoa (nếu cần), đưa ra nhận xét và kết luận về chỉ định tiêm chủng cho trẻ.
Bác sĩ chuyên khoa: khám, đánh giá tình trạng bệnh lý của trẻ theo chuyên khoa; phối hợp với bác sĩ tư vấn tiêm chủng để đưa ra kết luận về chỉ định tiêm chủng cho trẻ.
Cán bộ y tế có liên quan đến tư vấn, tiêm chủng vắc xin và theo dõi phản ứng sau tiêm chủng. Điểm tiêm chủng có đủ phương tiện để thực hiện việc khám sàng lọc và khám chuyên khoa. Phiếu khám sàng lọc trước tiêm chủng cho đối tượng từ 1 tháng tuổi trở lên và phiếu khám sàng lọc trước tiêm chủng cho trẻ sơ sinh.
Các bước thực hiện: Bác sĩ tư vấn, khám sàng lọc tiêm chủng: khám đánh giá toàn diện các điều kiện tiêm chủng cho trẻ; tham vấn thầy thuốc chuyên khoa về tình trạng bệnh lý theo chuyên khoa (nếu cần). Đưa ra kết luận về điều kiện tiêm chủng cho trẻ.
Bác sĩ chuyên khoa: khi được yêu cầu, đánh giá đầy đủ về tình trạng bệnh lý theo chuyên khoa cần tham vấn; đưa ra nhận xét, đề nghị liên quan đến tiêm chủng về tình trạng bệnh lý của trẻ. Phối hợp với cán bộ tiêm chủng thực hiện tiêm chủng và theo dõi sau tiêm chủng cho trẻ khi cần.
Thực hiện việc ghi chép, lưu giữ cơ sở dữ liệu tiêm chủng theo quy định hiện hành và các quy định về ghi chép sổ khám bệnh, hồ sơ bệnh án như đối với trẻ đến khám, điều trị ngoại trú, nội trú tại bệnh viện.
Trường hợp có hồ sơ bệnh án tại bệnh viện: toàn bộ nội dung khám sàng lọc trong bảng kiểm và y lệnh chỉ định tiêm phải được ghi trong hồ sơ bệnh án hoặc phiếu khám sàng lọc trước tiêm chủng được lưu cùng hồ sơ bệnh án theo quy định.
Trường hợp không có hồ sơ bệnh án tại bệnh viện: Phiếu khám sàng lọc trước tiêm chủng được lưu tại điểm tiêm chủng. Thời gian lưu là 15 ngày.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh – Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, việc tiêm nhầm vắc xin Covid-19 cho trẻ nhỏ như ở Quốc Oai, Hà Nội không rõ quy trình tiêm chủng của địa phương. Ngoài ra, BS Khanh cho rằng hiện tại cũng rất khó đánh giá ảnh hưởng tới trẻ nhỏ vì hiện nay các nghiên cứu vắc xin Covid-19 cho trẻ nhỏ đều rất hiếm, không có đánh giá cụ thể như thế nào.
BS Khanh cho rằng hiện tại cần thành lập hội đồng chuyên môn xem xét, đánh giá và theo dõi sức khoẻ của trẻ như thế nào. Còn tác dụng lâu dài trong tương lai thì chưa ai có thể nói trước được điều gì.
Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo chưa vội tiêm vắc xin cho trẻ từ 3-12 tuổi, thay vào đó tiếp tục tiêm cho người trên 18 tuổi, đặc biệt là các nước nghèo, người có nguy cơ cao.
Hiện nay, Việt Nam đang trong chiến dịch phủ vắc xin ngừa Covid-19 cho trẻ em, tuy nhiên, độ tuổi tiêm chủng được Bộ Y tế hướng dẫn là từ 12-18 tuổi. Chưa có kế hoạch tiêm chủng cho trẻ từ 3-12 tuổi.
Khánh Chi
Quy trình chuẩn tiêm vắc xin cho trẻ, cha mẹ phải biết khi đưa trẻ đi tiêm
Tại thông tư hướng dẫn về hoạt động tiêm chủng quy định: Cho đối tượng tiêm chủng hoặc cha mẹ, người giám hộ của trẻ xem lọ vắc xin trước khi tiêm chủng.