Thực hiện nghiêm giãn cách, Hà Nội có thể kiểm soát được dịch trước 25/8
Nếu Hà Nội thực hiện đồng bộ các biện pháp: giãn cách nghiêm, mở rộng xét nghiệm, tạo nhiều vùng xanh thì dịch bệnh có thể kiểm soát được trước ngày 25/8.
Vùng xanh an toàn tại ngõ 35 Kim Mã Thượng (Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội) |
“Thần tốc” xét nghiệm khoanh vùng ổ dịch
Trước đà lây lan của dịch bệnh, xác định xét nghiệm là yếu tố quan trọng hàng đầu, Hà Nội đã quyết định xét nghiệm khoảng 300.000 mẫu tại các khu vực, đối tượng có nguy cơ cao ở 30 quận, huyện, thị xã nhằm phát hiện sớm người mắc bệnh.
Tuy nhiên, để kiểm soát tốt dịch bệnh trước ngày 25/8, trong khoảng thời gian từ ngày 9 đến 17/8, Hà Nội tiếp tục xét nghiệm diện rộng với khoảng 1,3 triệu mẫu bằng kỹ thuật RT-PCR.
TP sẽ chia ra các nhóm để thực hiện việc lấy mẫu test COVID-19, những nhóm nguy cơ cao sẽ được TP ưu tiên xét nghiệm trước.
Nhóm đỏ là các khu vực trong các xã, phường nguy cơ rất cao và nguy cơ cao, các trường hợp nguy cơ cao căn cứ theo yếu tố dịch tễ, di chuyển nhiều, tiếp xúc nhiều như chuỗi cung ứng, chợ, lực lượng tham gia phòng, chống dịch, công nhân, bảo vệ các tòa nhà... và các khu vực nguy cơ cao khác theo chỉ định chuyên môn về dịch tễ.
Nhóm da cam là tại các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ quan, đơn vị, chợ, siêu thị, bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh... và các khu vực nằm trong vùng nguy cơ theo quy định của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, các trường hợp và các khu vực nguy cơ khác theo chỉ định chuyên môn về dịch tễ.
Nhóm xanh các trường hợp ít di chuyển tại khu vực không có dịch trong vùng xanh.
Việc làm này nhằm bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, truy vết triệt để F1, khoanh và giảm “vùng đỏ” (vùng có nguy cơ rất cao), không để phát sinh chùm ca bệnh mới.
Bên cạnh đó, việc xét nghiệm cho những người có triệu chứng ho, sốt... qua khai báo y tế vẫn được các đơn vị liên quan thực hiện.
Trao đổi với phóng viên, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khẳng định cùng với chiến dịch tiêm chủng đây cũng là đợt lấy mẫu xét nghiệm lớn nhất từ trước đến nay trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Việc xét nghiệm trên diện rộng lớn nhất lần này sẽ thực hiện nhanh nhất nhằm:
Đạt được mục tiêu phát hiện, khoanh vùng ổ dịch, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, truy vết triệt để F1, khoanh vùng và giảm “vùng đỏ” (vùng có dịch), không để phát sinh chùm ca bệnh mới và bảo đảm an toàn, giữ vững “vùng xanh” hiệu quả, từng bước đẩy lùi dịch bệnh như chỉ đạo của Chính phủ, Thành ủy và UBND Thành phố.
Để chuẩn bị cho việc xét nghiệm sàng lọc diện rộng, Hà Nội nâng năng lực xét nghiệm đạt trên 200.000 mẫu/ngày và trả kết quả xét nghiệm nhanh nhất. Ngoài ra, thành phố huy động các cơ sở, lực lượng y tế của Trung ương, công an, quân đội, ngoài công lập và các nguồn lực xã hội cùng nhân dân trên địa bàn tham gia chiến dịch lấy mẫu, xét nghiệm.
Có thể kiểm soát được dịch trước 25/8
Đánh giá cao việc Hà Nội tổ chức xét nghiệm diện rộng, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam cho rằng “điều này vô cùng quan trọng”.
Bởi theo PGS Trần Đắc Phu, việc xét nghiệm diện rộng để phát hiện và tổ chức khoanh vùng, cách ly, dập dịch.
"Xét nghiệm diện rộng ngoài tác dụng "bóc" F0 còn rất quan trọng giúp Hà Nội đánh giá nguy cơ dịch bệnh sau những ngày giãn cách nhằm đưa ra các biện pháp phù hợp tiếp theo" – PGS. TS Trần Đắc Phu nói với phóng viên Infonet.
Ông Phu lưu ý, việc xét nghiệm được thực hiện trên diện rộng nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm tại các vùng nguy cơ, vùng được chỉ định, các đối tượng nguy cơ, khu công nghiệp, chuỗi cung ứng…mà không xét nghiệm tràn lan.
Việc tổ chức xét nghiệm nhanh nhiều một lúc mà Hà Nội đang triển khai được ông Phu khuyến cáo phải rất chú ý tới việc giãn cách, phòng chống lây nhiễm chéo giữa những người được đi xét nghiệm hoặc lây cho nhân viên y tế.
Ngoài ra, để kiểm soát, khống chế dịch bệnh, ông Phu cho rằng Hà Nội cần tạo được nhiều vùng xanh an toàn (vùng không có F0).
"Thời gian vừa qua, Hà Nội đã tạo được nhiều vùng xanh an toàn do thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tốt và được người dân tự quản. Đây là việc rất quan trọng. Kết hợp với thực hiện tốt 5K thì chuỗi lây nhiễm ngoài cộng đồng có thể bị cắt đứt, không lây lan diện rộng", ông Phu nói.
Tuy nhiên, để thực hiện được điều này ông Phu cho rằng cần phải thực hiện giãn cách thật nghiêm ngặt.
Bởi theo ông Phu, đây là điều quan trọng số một để "cách ly" người nhiễm vi rút với người bình thường do vẫn còn ca bệnh lẩn khuất trong cộng đồng. Việc xét nghiệm diện rộng dù được triển khai cũng khó có thể "bóc" hết F0, vì có thể người dân âm tính ở thời điểm xét nghiệm nhưng sau đó lại dương tính. Hơn nữa, cũng không thể xét nghiệm hết 10 triệu dân thành phố.
Nhưng nếu giãn cách nghiêm thì sau 14 ngày, ngoài các ca F0 có biểu hiện được “bóc” khỏi cộng đồng thì các ca F0 (không có triệu chứng) sẽ tự khỏi mà không lây nhiễm cho người khác.
Ông Phu nhận định nếu Hà Nội làm tốt, thực hiện đồng bộ các biện pháp: giãn cách nghiêm, mở rộng xét nghiệm, tạo nhiều vùng xanh thì dịch bệnh có thể kiểm soát được trước ngày 25/8.
N. Huyền
Vì sao cần phải đo huyết áp khi tiêm vắc xin?
Có ý kiến cho rằng việc đo huyết áp làm ảnh hưởng tới tốc độ tiêm chủng, khi nhiều người không thể tiêm vắc xin do hồi hộp dẫn tới huyết áp tăng cao chứ không phải có bệnh huyết áp
Bác sĩ chỉ cách phòng dịch an toàn ở chung cư
Người dân ở chung cư quan tâm liệu có xảy ra tình huống virus lây theo không khí, trong đó có ô thông gió (lấy gió) hay không? Việc đóng chặt toàn bộ cửa sổ, cửa chính có là giải pháp an toàn chống lây nhiễm Covid-19?