Tế bào ung thư luôn 'đói khát' khiến người bệnh sụt cân nhanh chóng
Các bác sĩ cho biết, tế bào ung thư 'đói' và chúng sử dụng hết các chất dinh dưỡng, năng lượng của tế bào lành, khối cơ khiến người bệnh sụt cân nhanh chóng.
Thường xuyên chán ăn, mệt mỏi, gầy, sạm da nên ông Đỗ Văn Ng. (56 tuổi, quê Kiến Xương, Thái Bình) được con trai đưa đi kiểm tra. Kết quả khiến ông Ng. bất ngờ - ung thư gan di căn phổi.
Ông Ng. cho biết bản thân chỉ thấy chán ăn, thi thoảng hơi đau nhẹ ở hạ sườn trái nhưng không nghĩ là ung thư. Thấy sụt cân, ai cũng nghĩ do chán ăn thì gầy, chỉ đến khi da sạm, hơi vàng củng mắt ông Ng. mới đi khám.
Cũng giống ông Ng, chị Nguyễn Hải H. (39 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) cũng bị sụt cân. Ban đầu chị H. còn nghĩ bị hậu sản.
Theo chồng chị kể, sau sinh được 2 tháng vợ bắt đầu gầy hơn. Chị bị tắc tia sữa nên gia đình chỉ đưa đi chữa tắc tia sữa. Tình trạng sụt cân ngày càng tăng ai cũng bảo chị H. bị hậu sản. Khi con được 8 tháng chị H. vào bệnh viện kiểm tra tổng thế mới hay chị bị ung thư vú giai đoạn IVA.
Theo bác sĩ Hà Hải Nam – Giảng viên bộ môn Ung thư, Trường Đại học Y Hà Nội, sụt cân không có nguyên nhân là dấu hiệu điển hình của ung thư.
Nghiên cứu của Hiệp hội Ung bướu Hoa Kỳ chỉ ra rằng có khoảng 40% bệnh nhân lần đầu được chẩn đoán ung thư có sụt cân không rõ nguyên nhân và có đến 80% người bị ung thư giai đoạn cuối bị sụt cân và gầy còm do giảm khối cơ.
BS Nam cho biết, giảm cân do ung thư thường xảy ra với rất nhiều loại ung thư như ung thư tuyến tụy; ung thư thực quản; ung thư dạ dày, đại trực tràng, ung thư phổi…
Bệnh nhân ung thư sụt cân rất nhanh. |
Nguyên nhân giảm cân vì tế bào ung thư là những tế bào rất “đói”, có xu hướng cần nhiều năng lượng để phát triển, phân chia.
Trong khi đó, tế bào ung thư khác tế vào bình thường là nó phân chia rất nhiều và không chịu dừng lại. Tế bào ác tính này lấy năng lượng từ chính nguồn dinh dưỡng cơ thể đưa vào.
Khi tế bào ung thư phát triển, nó sẽ chèn ép, xâm lấn các tế bào lành và ảnh hưởng tới hoạt động của các cơ quan quan trọng.
Cơ thể phải dùng protein dự trữ tại gan để bù đắp, giữ lại chức năng tạng quan trọng đồng thời cấp năng lượng để nuôi dưỡng tế bào lành bị thiếu hụt trầm trọng. Điều này khiến các chỉ số cơ thể tụt xuống mà chúng ta không rõ lý do tại sao.
Vì vậy khi chúng ta không trong giai đoạn giảm cân, ăn kiêng, không có các bệnh lý cấp tính khiến suy giảm cân nặng như không sốt, không mất nước, không đi ngoài… có thể đó là một trong những triệu chứng cảnh báo chúng ta mắc ung thư.
Nếu bạn giảm cân không rõ nguyên nhân khoảng 10% trọng lượng cơ thể trên 3 tháng bạn nên nghĩ tới ung thư. Ví dụ cơ thể bạn 50kg nhưng chỉ trong 3 tháng giảm mất 5kg, đây chính là con số đáng báo động.
Ngoài sụt cân, BS Nam cho biết người bệnh có thể còn các dấu hiệu ung thư khác. Những dấu hiệu này phụ thuộc vào tế bào ác tính ở cơ quan nào và có kích thước bao nhiêu, ảnh hưởng của chúng tới các mô và cơ quan lân cận.
Nếu ung thư lan rộng hay còn gọi di căn, dấu hiệu và triệu chứng có thể xuất hiện ở rất nhiều cơ quan khác nhau của cơ thể.
Dưới đây là những dấu hiệu và triệu chứng phổ biến có thể do ung thư gây ra:
- Mệt mỏi hoặc kiệt sức mà không đỡ khi nghỉ ngơi.
- Sụt cân hoặc tăng từ 4-5 kg trở lên không rõ lý do.
- Các bất thường về ăn uống như không cảm thấy đói, khó nuốt, đau bụng hoặc buồn nôn và nôn.
- Sưng hoặc nổi cục ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể.
- Có khối u hoặc sờ thấy cứng bất thường ở trên da, vú, vùng cổ, vùng bụng hay các bộ phận khác của cơ thể (chân tay, thân mình, hàm mặt….)
Tuy nhiên, những triệu chứng này thường không đặc hiệu, có thể gặp ở những trường hợp bệnh lý lành tính khác. Nhưng bạn không nên chủ quan mà cần đến các cơ sở y tế để kiểm tra chính xác xem mình có bệnh gì hay không. Nếu lành tính theo dõi hướng lành tính, trường hợp ác tính sẽ được can thiệp điều trị kịp thời.
Mỗi bệnh ung thư đều có kết quả điều trị khác nhau nhưng chìa khóa chung để thành công là giai đoạn càng sớm càng tốt. Vì vậy, bác sĩ Nam khuyến cáo nếu có bất kỳ biểu hiện nào khác thường bạn nên tầm soát ung thư.
Phương Thúy