Số ca mắc tăng cao, quan trọng nhất là F0 phải tiếp cận được y tế nhanh
Trong những ngày qua số ca mắc cả nước tăng cao, đặc biệt tại TP HCM số ca mắc cao nhất trong tháng qua sau đó tới các tỉnh Tây Nam bộ.
Trong ngày 26/11, cả nước ghi nhận hơn 13.000 ca Covid-19, trong đó nhiều nhất là TP HCM với hơn 1.800 ca, Cần Thơ đứng thứ 2 với gần 900 ca, sau đó là Bình Dương (707 ca), Tây Ninh (655), Bà Rịa - Vũng Tàu (653), Đồng Tháp (601)… Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là hơn 11.000 ca/ngày.
Đáng chú ý, số mắc có xu hướng tăng cao trở lại một số địa phương như Cần Thơ, Tây Ninh, Đồng Tháp…, thậm chí có ngày Cần Thơ ghi nhận đến 1.300 ca mắc mới, gần bằng với TP HCM.
Bên cạnh đó, số tử vong những ngày qua cũng đã tăng trở lại với 3 con số, với trung bình gần 140 ca tử vong/ngày trong 7 ngày qua.
Riêng tại TP HCM, mặc dù ngành y tế đã triển khai nhiều biện pháp dự phòng và điều trị nhưng số ca mới mắc Covid-19 trên địa bàn TP HCM đang tăng trở lại. Ngày 26/11 ghi nhận hơn 1.800 ca dương tính mới, và đây là ngày ghi nhận ca mắc cao nhất trong hơn 1 tháng qua.
Theo PGS Đỗ Văn Dũng – Trưởng khoa Y tế Công cộng trường Đại học Y Dược TP HCM thì hiện tại số ca tăng cao ở các địa phương do mầm bệnh đã có trong cộng đồng từ trước, nhiều ca bệnh không có triệu chứng, không rõ nguồn lây và có liên quan đến người trở về từ vùng dịch. Các ổ dịch tập trung tại các địa bàn tập trung dân cư, lây nhiễm thứ phát ngoài cộng đồng, nhất là tại các địa phương có mật độ dân cư cao, giao thương, đi lại lớn.
Khi mở cửa trở lại sự giao thương đi lại khó tránh được mầm bệnh từ tỉnh này sang tỉnh khác. PGS Dũng cho rằng đã thích ứng với dịch bệnh theo Nghị quyết 128 thì người dân không nên quá hoang mang. Quan trọng nhất vẫn là ý thức phòng dịch của người dân bởi hiện tại nguyên tắc số 1 vẫn là vắc xin và 5K. Khi số ca mắc cao thì người bệnh cần được trang bị các loại thuốc để sử dụng tại nhà đặc biệt là thuốc kháng virus Molnupiravir đã được chứng minh giảm tải lượng virus, giảm nguy cơ lây lan cho người bệnh.
Các địa phương đều ghi nhận số ca mắc tăng cao. (Ảnh minh họa) |
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng khi “mở cửa” thì chắc chắn các địa phương sẽ ghi nhận ca nhiễm nhất là với biến thể Delta lây lan rất nhanh. PGS Sơn cho rằng ông thông cảm với tình hình dịch của các địa phương và các địa phương cần nâng cao chống dịch vì nếu không chắc chắn số ca tăng cao trong thời gian tới.
Thứ trưởng Sơn cho rằng khi số ca tăng thì việc tiếp cận y tế là điều quan trọng nhất, người bệnh cần được hướng dẫn sử dụng thuốc đúng chỉ định một cách sớm nhất để giảm bệnh nhân nặng và tử vong.
Ngoài đảm bảo phát hiện sớm ca bệnh, khoanh vùng, truy vết. Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương chủ động, sẵn sàng thiết lập các trạm y tế lưu động tại các khu vực nguy cơ cao, nguy cơ rất cao. Các địa phương chuẩn bị các nguồn lực, xây dựng các phương án đáp ứng dịch bệnh; giám sát chặt chẽ người về từ vùng dịch.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP HCM, tại TP HCM cùng với số ca nhiễm mới, tình trạng bệnh nhân mắc Covid-19 tử vong cũng gia tăng. Khoảng 1 tháng trước, số ca tử vong trong ngày chỉ ghi nhận 20 đến 30 trường hợp thì ngày 26/11 bệnh nhân tử vong tại TP HCM đã tăng lên 60 trường hợp.
BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết bệnh nhân Covid-19 tử vong đang tập trung chủ yếu ở những người chưa được tiêm chủng hoặc mới tiêm 1 mũi vắc xin và nhóm người cao tuổi có bệnh lý nền. Trước tình hình trên, ngành y tế TP HCM đã tái lập lại tổng đài 1022 hỗ trợ F0 và các trạm y tế lưu động chăm sóc F0 điều trị tại nhà, tăng cường năng lực của các cơ sở thu dung, điều trị…
Hiện Sở Y tế TP HCM đã cập nhật hướng dẫn chăm sóc F0 tại nhà mới nhất. Vì vậy, người F0 hoặc người chăm sóc báo ngay cho Cơ sở đang quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà nếu người F0 có một trong các dấu hiệu sau đây cần đến ngay bệnh viện.
Khó thở, thở hụt hơi, hoặc ở trẻ em có dấu hiệu thở bất thường: thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít thì hít vào.
Nhịp thở tăng: ≥ 21 lần/phút đối với người lớn; ≥ 40 lần/phút đối với trẻ từ 01 đến dưới 05 tuổi; ≥ 30 lần/phút đối với trẻ từ 05 đến dưới 12 tuổi. Độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi (SpO2) < 96% (nếu đo được). Mạch nhanh > 120 lần/phút hoặc dưới 50 lần/phút.
Huyết áp thấp: Huyết áp tối đa < 90 mmHg, huyết áp tối thiểu < 60 mmHg (nếu đo được).
Đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu. Thay đổi ý thức: Lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả, trẻ quấy khóc, li bì khó đánh thức, co giật.
Tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân, không thể uống.
Trẻ có biểu hiện: Sốt trên 38oC, đau rát họng, ho, tiêu chảy, trẻ mệt, không chịu chơi, tức ngực, cảm giác khó thở, SpO2 < 96% (nếu đo được), ăn/bú kém ...
Khánh Chi