Ổ dịch Covid-19 tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương có như BV Bạch Mai?
Theo các chuyên gia truyền nhiễm, dịch Covid-19 ở chùm ca bệnh tại Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới Trung ương phức tạp, nhưng so với các ổ dịch trước thì không nên quá lo lắng.
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. (Ảnh: Vietnam+) |
Liên quan tới chùm ca bệnh Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới hiện tại, Bệnh viện đã tạm ngừng tiếp nhận khám và nhận bệnh nhân vào điều trị nội trú tại cả 2 cơ sở, đóng cửa bệnh viện từ 8h sáng ngày 5/5. Toàn bộ nhân viên, học viên, bệnh nhân và người nhà tại 2 cơ sở thực hiện cách ly tại bệnh viện từ hôm nay (5/5). Bệnh viện cũng đã thông báo cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh danh sách bệnh nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện trong vòng 15 ngày (kể từ ngày 20/4) để truy vết, xử lý theo quy định.
Theo thống kê, khoảng 270 người ở Hà Nội đến khám, điều trị tại bệnh viện từ ngày 20/4 đến ngày 5/5. Những trường hợp này đã được thông báo đến các đơn vị để điều tra xác minh.
PGS Trần Đắc Phu – nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn của Trung tâm đáp ứng các sự kiện y tế khẩn cấp (Bộ Y tế) cho biết, khả năng lây nhiễm của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có thể từ bác sĩ hoặc cũng có thể từ người nhà, bệnh nhân. Cả hai hướng này đều đang được phía Bệnh viện điều tra chi tiết. Theo ông Phu, so với ổ dịch ở BV Bạch Mai năm 2020 thì "ổ dịch" ở BV Bệnh nhiệt đới Trung ương phức tạp nhưng cũng không nên quá hoang mang vì lượng bệnh nhân không cao bằng ở BV Bạch Mai.
Từ hai vụ dịch ở BV Đà Nẵng và BV Bạch Mai đều không tìm ra nguồn lây từ đâu. Nguồn lây giả thuyết có thể do người bệnh ở ngoài cộng đồng đưa vào, nhưng việc tìm nguồn lây nhiễm là việc điều tra dịch tễ nên để sau. Các biện pháp trước mắt cần triển khai nhanh đó là truy vết các trường hợp F1, F2 để khuyến cáo tới cộng đồng. Đặc biệt, mở rộng xét nghiệm những đối tượng đã đến BV để có thể sàng lọc phát hiện sớm ca bệnh, tránh để ca bệnh ẩn trú trong cộng đồng, điều này nguy hiểm hơn.
Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu nhấn mạnh, cộng đồng cũng không nên hoang mang. Từ các bài học ở ổ dịch trước chúng ta đều không xác định được F0, nhưng với việc truy vết khoanh vùng thần tốc thì cơ hội dập dịch nhanh hơn.
Cùng quan điểm, BS Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nguy cơ lây nhiễm trong bệnh viện rất khó đề phòng vì đây là nơi có người đi lại quá đông, đặc biệt nhiều trường hợp có dấu hiệu ốm sốt.
BS Khanh chia sẻ, ông quan sát dịch ở BV Bệnh nhiệt đới Trung ương thấy "vẫn còn may'', là vì xảy ra ở BV truyền nhiễm, chứ xảy ra ở các bệnh viện có bệnh nhân nặng thì mức độ khủng khiếp hơn. Nếu có ca bệnh Covid-19 ở các bệnh viện có khoa thận nhân tạo, khoa ung bướu hay khoa nội sẽ nguy hiểm hơn nhiều.
Hơn nữa, tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, công tác phòng nhiễm khuẩn luôn nâng cao, nhân viên đã tiêm ngừa nên tốc độ lây nhiễm sẽ chậm hơn ngoài cộng đồng.
Qua vụ việc lần này, BS Khanh khuyến cáo cộng đồng cần nâng cao cảnh giác. Các địa điểm kém an toàn nhất đó là bệnh viện, các khu trong khuôn viên bệnh viện; siêu thị; khách sạn; nhà hàng kín có máy lạnh.
Hiện tại dịch ở Đà Nẵng cũng khiến người dân lo lắng vì đã mất F0. BS Khanh cho rằng người dân đừng quá quan tâm tới truy tìm F0 làm gì mà nên tập trung truy vết F1, F2.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, qua xét nghiệm 307 mẫu tại BV Bệnh truyền nhiễm Trung ương, kết quả ban đầu xác định 14 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Những người này là 2 nhân viên y tế, 8 bệnh nhân điều trị bệnh, 4 người nhà. Kết quả ban đầu ghi nhận ít nhất 14 ca mắc tại khoa Hồi sức tích cực (8 ca), khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp (4); khoa Viêm Gan (1); khoa Cấp cứu (1). Ngoài ra, hơn 400 mẫu bệnh phẩm sẽ có kết quả xét nghiệm trong chiều nay. Hiện tại, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương thực hiện cách ly 14 ngày, nhưng trong thời gian này, Bệnh viện vẫn tiếp nhận điều trị ca bệnh mới dương tính với Covid-19. Bệnh viện vẫn chủ trì phối hợp với các địa phương có liên quan thực hiện cách ly theo đúng quy định.
Khánh Chi