Chuyên gia BV Bạch Mai chia sẻ bài tập phục hồi chức năng hô hấp cho F0
Các kỹ thuật phục hồi chức năng hô hấp như các kiểu thở, các kỹ thuật tống thải đờm sẽ giúp đường hô hấp thông thoáng, dễ thở hơn.
Theo PGS Phan Thu Phương – Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai đối với bệnh nhân Covid-19 thì việc tập thở, tập ho vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, ở từng mức độ bệnh nhân khác nhau để có các bài tập thở khác nhau.
Từ năm 2020, Bộ Y tế đã có hướng dẫn phục hồi chức năng hô hấp cho bệnh nhân nhiễm Covid-19, theo báo cáo có tới 43 % người bệnh nhiễm Covid-19 có triệu chứng sẽ bị khó thở. Vì vậy, người bệnh nên tự dành thời gian tập thở hàng ngày.
Theo PGS Phương các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ, tự tập được có thể áp dụng các bài phục hồi chức năng hô hấp tập thở, tập ho sau:
Thứ nhất: Tập các kiểu thở, khi tập thở có hai động tác tập thở chúm môi và tập thở cơ hoành. Hai động tác này để đảm bảo khí vào đường thở nhiều hơn, trao đổi oxy tốt hơn. Các bài tập này giúp thông khí, trao đổi khí tốt hơn đặc biệt là bệnh nhân có kèm theo nhiễm trùng đường hô hấp và viêm phổi.
Khi thở chúm môi, bệnh nhân lưu ý thở hít sâu, thở chậm.
Khi thở cơ hoành thì bệnh nhân cần tập làm sao cơ hoành ở trong tình trạng động tác thở phát huy tốt đa việc thông khí, trao đổi khí. Người bệnh hít ra bằng mũi, bụng phình lên để cơ hoành xuống phía dưới và giảm áp lực trong lồng ngực và khí vào nhiều hơn. Thở ra chúm môi và hóp bụng lại.
Đây là bài tập cần thiết cho bệnh nhân Covid-19 khi có tổn thương ở phổi. Bệnh nhân nên tập theo hướng dẫn của nhân viên y tế hoặc kỹ thuật viên, trường hợp tập tại nhà có thể tập theo các video hướng dẫn sẵn có trên internet.
Các bài tập phục hồi chức năng hô hấp cho F0 giúp họ thông thoáng đường thở. |
Thứ hai, tập thở tống đờm, dịch. Với bệnh nhân bị ho lọc sọc đờm cần làm sao tống được đờm ra để đường hô hấp thông thoáng, dễ thở hơn. Để tống đờm dịch trong hô hấp F0 tập bài tập ho hữu hiệu.
Bước 1 người tập thở chúm môi khoảng 5 đến 10 phút hít vào thở ra nhẹ nhàng giúp đẩy đờm từ phế quản nhỏ (đường thở ở phía xa) ra phế quản vừa.
Bước 2: Tròn miệng hà hơi 5 đến 10 lần, tốc độ tăng dần giúp đẩy đờm từ phế quản vừa ra đường thở lớn, khí quản.
Bước 3: ho, người bệnh hít vào thật sâu, nín thở và ho liên tiếp 2 lần, lần 1 nhẹ, lần 2 nhanh mạnh để đẩy đờm ra ngoài.
Người bệnh hiểu kỹ thuật làm đúng thì việc di chuyển đờm từ đường thở nhỏ ra đường thở lớn và hai lần ho sẽ tống đờm ra ngoài.
Thứ ba, thở chu kỳ chủ động. Với kỹ thuật này gồm các bước giúp người bệnh chủ động thông khí, tống thải dịch đờm ra ngoài. Người bệnh Covid-19 có thể thực hiện các bước:
Bước 1: Thở có kiểm soát hít thở nhẹ nhàng 20- 30 giây. Sau đó căng giãn lồng ngực hít thật sau bằng mũi, nín thở 2 đến 3 giây và thở ra nhẹ nhàng. Lặp đi lặp lại 3 đến 5 lần.
Bước 2: : Hà hơi hít thật sâu, nín thở đến 2 – 3 giây và tròn miệng hà hơi đẩy mạnh dòng khí ra ngoài, lặp lại từ 1 đến 2 lần.
Thứ tư, tập thở với bóng. Người bệnh có thể tập thở với bóng. Bệnh nhân hít vào thật sâu sau đó nín thở. Người bệnh ngậm miệng và thổi vào quả bóng làm sao cho quả bóng càng căng càng tốt. Sau đó tháo toàn bộ hơi trong quả bóng ra và lặp lại động tác trên.
PGS Phương cho biết các kỹ thuật phục hồi chức năng hô hấp này được áp dụng cho các trường hợp bệnh nhân thể nhẹ, ý thức tỉnh, có thể thực hiện được kỹ thuật chủ động theo dướng dẫn qua băng hình, tờ rơi dưới sự giám sát của nhân viên y tế nếu có.
PGS Phương cũng lưu ý, các nguyên tắc phục hồi chức năng hô hấp của bệnh nhân Covid-19 đều phải tuân thủ làm sao hạn chế và tránh lây lan virus vì đây là thời điểm lan truyền mầm bệnh.
Bệnh nhân tập ho, tập thở phải đeo khẩu trang y tế, ho vào cốc đựng đờm có nắp và phải đổ dung dịch sát khuẩn vào cốc đó trước khi cho vào rác thải. Các dịch tiết của đường hô hấp đều phải đảm bảo tránh nhiễm khuẩn cho người nhà, cộng đồng.
Khi tập các động tác phục hồi hô hấp trên, người bệnh phải giữ khoảng cách với người xung quanh.
Khánh Chi