Chuyển bệnh nhân, người nhà từ BV Việt Đức về tuyến dưới: Họ phải cách ly bao lâu?
Bộ Y tế đồng ý với đề xuất của BV Việt Đức chuyển người nhà, người bệnh về các bệnh viện tuyến dưới để tiếp tục cách ly, điều trị. Vậy họ phải cách ly trong bao lâu?
Bệnh nhân và người nhà được chuyển từ BV Việt Đức sang BV Thanh Nhàn |
Còn hơn 1.000 người nhà và bệnh nhân đang có mặt tại BV Việt Đức
Bộ Y tế đã đồng ý với đề xuất của BV Việt Đức chuyển người bệnh, người nhà người bệnh có đủ điều kiện ra viện và có xét nghiệm RT- PCR âm tính 2 lần về các bệnh viện tuyến dưới.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn vừa ký công văn hoả tốc gửi Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo đó, công văn nêu rõ: Bộ Y tế nhận được Công văn số 2023/VĐ-TTĐT&CĐT ngày 4/10/2021 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đề nghị Bộ Y tế xem xét và cho ý kiến chỉ đạo về đề xuất UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo các Sở Y tế và các đơn vị liên quan khẩn trương hỗ trợ điều trị, tiếp nhận người bệnh, người nhà người bệnh có đủ điều kiện ra viện và có xét nghiệm RT- PCR âm tính 2 lần, theo dõi sức khỏe ở các cơ sở y tế nhằm giảm mật độ người bệnh tại Bệnh viện.
Trước đề xuất này, Bộ Y tế nhất trí với đề nghị của Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức để chuyển một số người bệnh và người nhà người bệnh đã xét nghiệm SARS-CoV-2 hai lần (bằng phương pháp RT-PCR) âm tính, người bệnh thuộc các khoa không thuộc vùng đỏ (vùng không có ca bệnh F0) và đã được điều trị ổn định để tiếp tục theo dõi, điều trị, cách ly tại các bệnh viện của địa phương.
Bộ Y tế đề nghị Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức phối hợp với các Bệnh viện dự kiến nhận người bệnh, người nhà người bệnh (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Đức Giang, Bệnh viện Thanh Nhàn) để tổ chức đón theo đúng quy định tại Công văn số 425/CV-BCĐ ngày 19/01/2021 của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đề nghị Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức phối hợp với Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để nhận một số người bệnh đủ điều kiện ra viện và người nhà người bệnh đã xét nghiệm SARS-CoV-2 hai lần (bằng phương pháp RT-PCR) âm tính và người bệnh thuộc các khoa không thuộc vùng đỏ (vùng không có ca bệnh F0) để tiếp tục theo dõi, điều trị, cách ly tại các bệnh viện của địa phương.
Được biết hiện BV Việt Đức đã liên hệ với các địa phương và đang thống kê số lượng người nhà và bệnh nhân từng địa phương.
Ngoài 3 bệnh viện tại Hà Nội là BV Thanh Nhàn, BV Đức Giang, BV ĐH Y Hà Nội tiếp nhận khoảng 1.000 bệnh nhân và người nhà từ BV Việt Đức chuyển sang, hiện đã có Thái Bình đồng ý tiếp nhận người nhà, bệnh nhân của địa phương về tiếp tục điều trị, cách ly.
Trước đó tại buổi làm việc với Bộ Y tế, Thành phố Hà Nội ngày 4/10 lãnh đạo BV Hữu nghị Việt Đức cho biết hiện còn 1.054 bệnh nhân, 1.018 người nhà, hơn 1.000 nhân viên y tế đang có mặt trong khuôn viên bệnh viện.
Như vậy sau khi chuyển khoảng 1.000 bệnh nhân và người nhà sang 3 bệnh viện trên địa bàn Hà Nội vẫn còn khoảng 1.000 người nhà và bệnh nhân nữa đang ở BV Việt Đức.
Bệnh nhân, người nhà chuyển đến các bệnh viện khác phải cách ly 21 ngày
Được biết sau khi khoảng 1.000 bệnh nhân ở BV Việt Đức và người nhà đi cùng được chuyển sang 3 BV trên địa bàn Hà Nội (BV Đức Giang, BV Thanh Nhàn, BV Đại học Y Hà Nội) để điều trị, một số người nhà bệnh nhân ở BV Việt Đức đã bày tỏ sự bức xúc khi họ đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19 mà vẫn phải cách ly như đối tượng có nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2.
Anh T., người nhà chăm sóc bố mổ u ở BV Việt Đức được chuyển sang BV Thanh Nhàn rơi vào cảnh oái oăm, 2h chiều ngày 30/9, anh vào bệnh viện với bố, 4h cùng ngày toà nhà nơi bố anh nằm bị phong toả. Anh T. kẹt lại và đến đêm 4/10 anh cùng bố được chuyển sang BV Thanh Nhàn.
Người đàn ông này bức xúc cho rằng, để cả người nhà người bệnh và bệnh nhân cách ly, điều trị chung 1 chỗ, vừa đông, vừa nguy hiểm, không thể đảm bảo an toàn. 1 buồng bệnh chỉ nên có 1 người nằm, để 2 người nằm cùng sẽ rất chật vì kèm theo cả người chăm sóc.
“Trước đó, tôi đã tiêm 1 mũi vắc xin. Điều tôi mong muốn nhất bây giờ là được test Covid-19, có kết quả xét nghiệm âm tính để được cách ly tại nhà, tôi không muốn cách ly tập trung ở bệnh viện như bây giờ”, anh T. cho hay.
Trước những thắc mắc của người nhà chăm sóc bệnh nhân về việc tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19 được cách ly như thế nào, ông Nguyễn Văn Thường, Giám đốc BV Đa khoa Đức Giang cho biết, gần đây đã xuất hiện trường hợp tiêm vắc xin Covid-19 nhưng vẫn nhiễm SARS-CoV-2 và có thể lây bệnh cho người khác.
“Như vậy, tiêm vắc xin vẫn có nguy cơ bị bệnh. Vì thế, đối với tất cả các bệnh nhân có yếu tố dịch tễ về từ BV Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện đang áp dụng biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 như nhau: cách ly, theo dõi, tầm soát.
Theo quy định của Bộ Y tế, sau khi tiếp nhận bệnh nhân, bệnh viện đã xét nghiệm lại toàn bộ người bệnh. Nếu người bệnh có kết quả xét nghiệm âm tính thì 7 ngày sau bệnh viện tiếp tục xét nghiệm thêm 1 lần nữa. Tổng thời gian cách ly của toàn bộ bệnh nhân và người nhà người bệnh được chuyển từ BV Hữu nghị Việt Đức sang bệnh viện là 21 ngày như đối với F1”, ông Thường cho hay.
Phương Mai