Chia sẻ của bệnh nhân Covid-19 nặng thoát 'tử thần' tại bệnh viện của Hà Nội
Lần đầu tiên ngành y tế Hà Nội điều trị thành công ca bệnh nhiễm Covid-19 nặng bằng kỹ thuật tim phổi nhân tạo (ECMO).
PGĐ Sở Y tế Hà Nội (áo trắng) Nguyễn Đình Hưng tặng hoa cho anh Hoàng V.Ng. |
'Rộ' dịch vụ xét nghiệm kháng thể sau tiêm vắc xin Covid-19, có cần làm?
Nhiều người sau tiêm vắc xin Covid-19 lo lắng khả năng sinh kháng thể có hay chưa, nắm bắt tâm lý này, có nhiều cơ sở khám chữa bệnh đưa ra gói dịch vụ xét nghiệm kháng thể sau tiêm vắc xin Covid-19.
Đây là bệnh nhân Covid-19 nặng đầu tiên Bệnh viện Thanh Nhàn Hà Nội phải sử dụng kỹ thuật ECMO.
Tôi đã nghĩ mình sẽ chết
Bệnh nhân Hoàng V. Ng. 48 tuổi ở cùng gia đình người thân (ở Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội) là người bị nặng nhất trong số 5 người trong gia đình mắc Covid-19.
Anh Ng. cho biết khi đi cách ly tập trung ở Thanh Trì hơn 10 ngày thì xuất hiện triệu chứng bệnh.
“Khi được thông báo kết quả dương tính, tôi cảm thấy rất lo, nhất là khi các triệu chứng càng ngày càng nặng lên, sốt cao tới 39-40 độ, người khó chịu, không thở được…
Trước đó, tôi cũng rất lo sợ bị mắc bệnh, nhưng tôi không nghĩ mình bị nặng vì tôi không có bệnh nền gì và lại rất khỏe mạnh”, anh Ng. ngưng một lúc lấy sức rồi kể tiếp.
Trong suốt quá trình hơn một tháng chiến đấu với tử thần, điều người đàn ông này sợ nhất là cảm giác khó thở. “Cảm giác ấy cứ tăng dần lên như bị ai bịt mũi”, anh Ng. cho hay.
Dù rất nỗ lực tập thở theo các bác sĩ nhưng có lúc anh Ng. tưởng mình sắp chết, không thể thở nổi.
“Lúc đó tôi cảm thấy không thể cố được nữa, tôi buông xuôi nằm yên và tôi bắt đầu rơi vào hôn mê. Tôi không thở được nữa nhưng trong đầu tôi vẫn biết, tôi nghĩ mình sẽ chết.
Được biết sau đó tôi được đưa đi điều trị tích cực, mở khí quản, chạy ECMO… Từ đó, tôi không biết gì nữa. Mấy ngày liền”, anh Ngọc nhớ lại.
Người đàn ông này cho biết khi vào viện không biết mình nằm ở đâu, người “mê mê, tỉnh tỉnh”. Chỉ nhớ khi tỉnh lại, thì bản thân anh Ng. vẫn thấy khó thở như trước lúc trở nặng.
“Lúc đó tôi vừa tỉnh vừa mê cũng không biết cảm giác sợ, chỉ biết như sống lại lần nữa. Sau đó tôi phải tập thở, tập liên tục hàng ngày.
Rất khổ vì cảm giác thở rất mệt, phải kéo hơi vào phổi. Sau hồi phục, tôi mới nói được cách đây khoảng 1 tuần, còn lại chỉ biết nhắn tin cho người nhà ở ngoài”, anh Ng. yếu ớt nói.
Qua hơn một tháng vật lộn với những cơn khó thở, anh Ng. rút ra một kết luận “bệnh này phải cố gắng rất nhiều”.
“Nếu bệnh nhân nào không cố gắng thì khó qua khỏi. Lúc tỉnh dậy tôi rất vui, các bác sĩ cũng bảo tôi để được đến giờ này là đã hết sức cố gắng. Các bác sĩ động viên tôi tập thở hàng ngày, vì vậy dù rất mệt nhưng tôi cũng hết sức cố gắng để vượt qua”, anh Ng. cho hay.
Hôm nay (17/9) được ra viện, anh Ng. rất xúc động gửi lời cảm ơn đến đội ngũ các y bác sĩ đã nỗ lực hết sức cứu chữa anh. “Tôi như được sinh ra một lần nữa”, người đàn ông nghẹn nghẹn.
Anh Ng. trong những ngày hôn mê phải chạy ECMO. |
Chiếc ECMO duy nhất được trang bị từ năm 2019
Chia sẻ thêm với phóng viên về trường hợp đặc biệt này, Bác sĩ Nguyễn Thị Lan Hương – Phó giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, đây là ca mắc Covid-19 nặng đầu tiên điều trị bằng kỹ thuật ECMO tại Bệnh viện Thanh Nhàn.
Bệnh nhân trải qua hơn 1 tháng chiến đấu với bệnh Covid-19, nhờ những kỹ thuật khó và phức tạp như thở máy, lọc máu, ECMO… bệnh nhân đã chiến thắng bệnh tật.
BS Hương cho rằng thành công này không chỉ là niềm vui cho người bệnh mà còn là niềm hạnh phúc của đội ngũ nhân viên y tế Bệnh viện Thanh Nhàn, đặc biệt là các y bác sĩ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân.
Bác sĩ Hương cũng thông tin thêm cả Bệnh viện Thanh Nhàn chỉ có một chiếc ECMO, được trang bị từ năm 2019. Khi bệnh nhân có dấu hiệu suy hô hấp, thở HFLC (thở oxy lưu lượng cao qua mũi) không được tốt và chuyển thở máy xâm nhập, nhưng vì tổn thương của bệnh nhân quá nặng, tổn thương điểm CT lên tới 22 – 23 điểm, do vậy mà phổi của bệnh nhân bị đông đặc.
"Bệnh nhân này 48 tuổi, không có bệnh nền. Đây là một ca bệnh nặng, tổn thương phổi đến 80%, chúng tôi rất lo lắng vì tổn thương phổi nhiều.
Với tình trạng này của bệnh nhân thì chỉ có kỹ thuật ECMO mới cải thiện được oxy của cơ thể, tái tạo lại tế bào của phổi cũng như là cơ tim đã bị tổn thương. Nhờ áp dụng kỹ thuật ECMO đã đem lại cho người bệnh sự sống", bác sĩ Hương cho hay.
Đánh giá cao kết quả điều trị của Bệnh viện Thanh Nhàn qua ca bệnh này, ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh, thành công của các y bác sĩ Bệnh viện Thanh Nhàn đã cho thấy, các bệnh viện của Thành phố có thể tiếp nhận những bệnh nhân Covid-19 tầng điều trị ở thứ 4 và thứ 5.
“Từ thực tế tại các tỉnh thành phía Nam và lần đầu tiên điều trị thành công ca Covid-19 bằng kỹ thuật ECMO tại Bệnh viện Thanh Nhàn, cũng là trường hợp đầu tiên mà bệnh viện thuộc Sở Y tế Hà Nội quản lý điều trị thành công, ngành y tế Hà Nội sẽ có thêm kinh nghiệm chống dịch bằng sự chủ động và với kịch bản được chuẩn bị tốt hơn”, ông Hưng cho hay.
Được biết, Bệnh viện Thanh Nhàn và Bệnh viện đa khoa Đức Giang là hai bệnh viện được Hà Nội phân công điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 ở tầng thứ 4- 5. Tính đến thời điểm này, Bệnh viện Thanh Nhàn đã tiếp nhận và điều trị cho 604 bệnh nhân Covid-19, đa phần là những bệnh nhân lớn tuổi, có kèm bệnh lý nền, một số ít là bệnh nhân trẻ tuổi.
"Nhờ tinh thần chiến đấu của người bệnh, sự nỗ lực của nhân viên y tế, nhất là của ekip chạy ECMO và chúng tôi đã thành công", Phó Giám đốc bệnh viện Nguyễn Thị Lan Hương cho hay .
N. Huyền