Chặn thang thoát hiểm khi phong tỏa các tầng chung cư có F0 có đúng luật?
Trưởng BQL toà chung cư ở quận Bắc Từ Liêm thừa nhận có dùng vít chặn cửa thang thoát hiểm các tầng có F0 và không thông báo cho cư dân, nhằm phong toả cứng, ngăn cư dân ra ngoài.
Cư dân Toà R2, Goldmark City phản ánh chuyện bị khóa cửa thoát hiểm trong khi phong tỏa các tầng trong tòa nhà để phòng dịch'. Theo đó, Ban quản lý, Ban quản trị (BQT) toà nhà đã cắt điện thang máy, khoá chốt cầu thang thoát hiểm (cầu thang bộ) ở những tầng có F0 phải thực hiện cách ly tế nhằm phục vụ công tác phòng chống dịch.
Trả lời PV trong bài báo trên, ông Ngô Tôn Viện – đại diện BQT toà nhà thông tin: Chỉ chốt chiều đi lên của thang thoát hiểm, còn chiều đi ra vẫn mở. Chỉ là cư dân không biết do không thông báo kịp thời cho cư dân.
Phản ứng về phát ngôn của ông Viện, các cư dân sinh sống ở đây phẫn nộ cho rằng phát ngôn này “không đúng sự thật”. Bởi vấn đề này cũng đã được nêu ra tại cuộc họp giữa đại diện cư dân các tầng bị phong toả với UBND phường Phú Diễn diễn ra vào chiều 25/11. Chủ tịch UBND phường Phú Diễn Nguyễn Ngọc Lương chủ trì cuộc họp.
Cư dân Phạm Thu Ngân, hiện đang sống tại tầng 22, Toà R2, Goldmark City- người trực tiếp tham dự buổi họp bức xúc cho biết, tại buổi họp với lãnh đạo phường Phú đại diện BQL toà nhà - ông Bùi Hoàng Giang, trưởng BQL toà nhà đã thừa nhận có dùng vít chặn tại cửa thang thoát hiểm các tầng có F0 từ ngày 18/11/2021 và không thông báo cho cư dân. Việc làm này với mục đích nhằm phong toả cứng, ngăn cư dân ra ngoài.
“Chúng tôi vẫn còn giữ ghi âm nội dung cuộc họp. Cư dân chúng tôi tại nhiều tầng đã thử mở thang thoát hiểm nhưng không được và có quay lại video làm bằng chứng. Vì vậy việc ông Viện khẳng định chỉ khoá chiều từ trong thang ra, không khoá chiều vào thang là hoàn toàn sai sự thật. Thực tế chúng tôi đã bị phong toả cứng hoàn toàn.
Trong trường hợp có xảy ra cháy nổ cư dân sẽ không kịp thoát nạn!", cư dân này nói.
"Mặc dù sau đó BQL có giải thích rằng có bố trí an ninh trực 24/24 để khi phát hiện sự cố sẽ mở cửa/ thông báo loa cho cư dân “đạp” cửa thoát nạn. Tuy nhiên ai có thể đảm bảo chắc chắn rằng khi xảy ra sự cố sẽ nhớ đến việc đang khoá thang 1 số tầng để tiến hành mở/ truy hô/ thông báo?
Tại thời điểm phát hiện thang bị khoá cũng đã có cư dân thử đạp cửa nhiều lần nhưng không mở được. Hoàn toàn không giống hướng dẫn “chỉ cần đạp là cửa mở” như BQT, BQL đã nói”, chị Phạm Thu Ngân cho hay.
Ảnh cắt từ clip người dân phản ánh cửa cầu thang thoát hiểm bị khoá chặt, không thể mở ra nếu có cháy nổ cần đường thoát nạn |
Theo chị Ngân, cho tới thời điểm hiện tại cư dân chưa nhận được bất kỳ lời xin lỗi cũng như giải thích thoả đáng nào từ BQT, BQL ngoài việc mở lại thang thoát hiểm theo yêu cầu của cư dân.
“Chúng tôi vẫn không thể hiểu được tại sao họ có thể tiến hành khoá thang thoát hiểm - lối ra duy nhất khi có sự cố, bản thân chúng tôi đã nghiêm túc thực hiện việc phong toả 14-17 ngày và toà nhà có đầy đủ camera giám sát nên không cần thiết phải phong toả cứng nhắc và có nguy cơ mất an toàn PCCC, ảnh hưởng đến tính mạng của hơn 150 hộ dân đang bị phong toả như vậy.
Là 1 người dân tôi mong muốn BQT có trách nhiệm giám sát BQL tốt hơn. Và luôn phải đặt sự an toàn của cư dân lên hàng đầu, thông báo kịp thời các tình huống phát sinh vì không chỉ việc khoá thang thoát hiểm mà nhiều việc khác thông tin cũng khá chậm, bị động”, chị Ngân bức xúc cho biết.
Chung bức xúc này, cư dân Ngọc Anh cho biết thêm, trong quá trình cách ly y tế (phong tỏa), các tầng không nhận được sự hỗ trợ về vật chất, tinh thần từ chính quyền địa phương.
“Các tầng bị phong tỏa không được dọn dẹp vệ sinh hàng ngày, đặc biệt là thu dọn rác và khử khuẩn tại hành lang. Đề nghị BQL tăng cường nhân lực để dọn dẹp sạch sẽ, khử khuẩn thường xuyên các tầng bị phong toả và được nhận sự quan tâm từ chính quyền”, cư dân Ngọc Anh cho hay.
Trước những phản hồi này từ phía cư dân, vào chiều 26/11, ông Ngô Tôn Viện, trưởng BQT toà nhà một lần nữa khẳng định chỉ khoá cầu thang bộ “một chiều lên”, còn “chiều xuống là cài hờ”, nếu cư dân đạp cửa là “vẫn ra được”.
“Người ta chỉ mắc một lỗi là không thông báo cho cư dân biết. Còn sau khi cư dân phát hiện, phản ánh thì BQT đã yêu cầu BQL phải tháo bộ toàn bộ và dán niêm phong. Khi cần cư dân cứ thế đạp ra, khi không cần mà tự ý tháo niêm phong, camera theo dõi sẽ xử lý”, ông Viện nhấn mạnh.
Giải thích thêm về lý do tại sao khoá cửa cầu thang thoát hiểm, ông Viện cho biết: “Trong thời gian trước khi chưa khoá (cửa thoát hiểm) đã có cư dân là F0 đi cầu thang bộ từ tầng 29 xuống dưới sảnh định trốn ra ngoài, an ninh BQL phát hiện ra giữ lại. Không còn cách nào người ta mới phải chốt chiều ra để theo dõi camera. BQL cũng đã có phương án nếu có chuyện gì xảy ra thì an ninh sẽ giải quyết kịp thời’, ông Viện khẳng định.
Trao đổi với phóng viên về việc khoá cửa thoát hiểm tại các tầng có F0 để chống dịch tại toà F2, Goldmark City có đúng quy định pháp luật hay không, Luật sư Nguyễn Doãn Hùng, Đoàn Luật sư Hà Nội, Giám đốc Cty Luật HTC khẳng định, việc phong tỏa này là không phù hợp với chính sách phòng chống dịch của Nhà nước và tình hình thực tế tại Tòa R2 chung cư Goldmark nói riêng.
Theo Luật sư Hùng, BQL toà nhà ngắt điện cầu thang máy, khoá cửa cầu thang bộ (lối thoát hiểm) cho rằng sẽ không được đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy. Bởi nếu có sự cố về chảy nổ xảy ra thì cư dân họ không biết thoát hiểm bằng con đường nào, điều này có thể gây nguy hiểm tới tính mạng, sức khỏe của họ.
Đáng lưu ý, việc Ban quản lý tòa nhà khóa các lối ra vào từ thang máy tới thang bộ nhưng lại không có thông báo tới các hộ cư dân là không hợp lý. Với vai trò là người quản lý, quản trị của tòa nhà đó, BQT phải có trách nhiệm thông báo các sự việc liên quan tới phòng chống dịch để đảm bảo rằng mọi người dân trong chung cư đó nắm được hết những thông tin quan trọng, cần thiết.
“Khi cư dân phản ánh thì BQT tòa nhà mới ra thông báo tới các hộ cư dân. Vậy nếu người dân không có ý kiến phản ánh lại thì BQT có thực hiện thông báo về việc khóa cả lối thoát hiểm tới họ hay không? Hay là khi có sự cố xảy ra thì BQT mới đứng ra khắc phục hậu quả. Việc làm này cho thấy sự thiếu trách nhiệm của BQT, BQL chung cư”, luật sư Nguyễn Doãn Hùng nhấn mạnh.
Các cửa của các lối ra thoát nạn từ các hành lang tầng, không gian chung, phòng chờ, sảnh và buồng thang bộ phải không có chốt khóa để có thể mở được cửa tự do từ bên trong mà không cần chìa. Trong các nhà chiều cao lớn hơn 15 m, các cánh cửa nói trên, ngoại trừ các cửa của căn hộ, phải là cửa đặc hoặc với kính cường lực.
Đối với các buồng thang bộ, các cửa ra vào phải có cơ cấu tự đóng và khe cửa phải được chèn kín. Các cửa trong buồng thang bộ mở trực tiếp ra ngoài cho phép không có cơ cấu tự đóng và không cần chèn kín khe cửa.
Các cửa của lối ra thoát nạn từ các gian phòng hay các hành lang được bảo vệ chống khói cưỡng bức, phải là cửa đặc được trang bị cơ cấu tự đóng và khe cửa phải được chèn kín. Các cửa này nếu cần để mở khi sử dụng, thì phải được trang bị cơ cấu tự động đóng khi có cháy.
Như vậy, cửa thoát hiểm không được khóa bên trong, phải không có chốt khóa để có thể mở được cửa tự do từ bên trong mà không cần chìa.
N. Huyền