Nhiều F0 hiểu sai cách dùng thuốc, không biết chỉ số SpO2 là gì
Theo BS Nguyễn Huy Hoàng, mỗi ngày anh tư vấn cho hơn 100 ca F0 theo dõi tại nhà, điều đặc biệt là còn rất nhiều F0 hiểu sai về cách dùng thuốc, có F0 ú ớ không biết chỉ số SpO2 là gì khi bác sĩ hỏi.
Theo Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, trưởng bộ phận điều trị oxy cao áp của Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga, những ngày qua, với hàng trăm cuộc gọi mỗi ngày, anh đã hoạt động “hết công suất”, liên tục hỗ trợ, giúp đỡ tư vấn điều trị tại nhà cho các F0.
Có những cuộc gọi lúc nửa đêm, kéo dài đến nửa tiếng đồng hồ. Hầu hết, các bệnh nhân khi liên hệ với bác sĩ đều có chung một lo lắng với câu hỏi “em dương tính rồi, bây giờ phải làm sao?”.
BS Hoàng cho biết, trở thành F0 nên mọi người thường có tâm lý hoang mang. Lúc này, bệnh nhân cần nhất là sự hỗ trợ về mặt tâm lý nên anh hướng dẫn họ các bước điều trị ban đầu để bệnh nhân ổn định tâm lý, an tâm điều trị.
Khi nhận tham gia điều trị cho F0, bác sĩ Hoàng cho biết bản thânh anh luôn công khai số điện thoại cá nhân để ai cũng có thể liên hệ khi cần. Trung bình, mỗi ngày tôi dành 4-5 giờ cho việc hỗ trợ tư vấn, điều trị F0 tại nhà. Trong một tiếng tôi có thể tư vấn cho khoảng 30 bệnh nhân.
Người bệnh khi cần tư vấn hãy nhắn tin trình bày sơ lược về nội dung cần hỏi. Ngoài ra, cố gắng chuẩn bị mọi thông tin cần biết và sẵn sàng trả lời các câu hỏi của bác sĩ, đặc biệt là các chỉ số sức khoẻ của F0 như SpO2, nhịp tim,nhịp thở, huyết áp.
Sau 1 thời gian đồng hành cùng F0 tại nhà, bác sĩ Hoàng nhận thấy hiện tại, rất nhiều F0 chuẩn bị đủ các loại thuốc nhưng không có máy đo SpO2. Thậm chí khi hỏi chỉ số SpO2 của F0 là bao nhiêu thì ú ớ không hiểu gì.
BS Hoàng tư vấn cho F0 từ xa. |
Và cũng có nhiều người chưa phân biệt được thuốc nào là kháng virus, kháng sinh, kháng đông, kháng viêm.
Theo bác sĩ Hoàng, thuốc kháng virus là thuốc giúp ngăn không cho virus nhân lên trong cơ thể. Hiện tại, dù nhiều tên nhưng chỉ có 2 loại thành phần là Favipiravir và Molnupiravir.
Kháng sinh thì dễ hơn, là thuốc tiêu diệt hoặc ức chế sự nhân lên của vi khuẩn trong cơ thể người.
Kháng đông là thuốc ngăn ngừa sự tạo thành các cục máu đông. Hiện chủ yếu khuyến cáo rivaroxaban và apixaban để phòng chống bão cytokin.
Kháng viêm, thật ra phải gọi corticoid hay ức chế miễn dịch corticoid. Nhiều người sau khi đọc bài không nên dùng kháng viêm sớm, lại hiểu nhầm là không nên dùng kháng virus sớm điều này rất nguy hiểm.
Hiện nay, thuốc kháng viêm thông dụng là Methyprednisolon 4 hoặc 16mg và Dexamethasone 0,5mg.
Kháng virus thường dùng trong vòng 5-7 ngày sau khi có triệu chứng và cũng chỉ cần dùng trong 5-7 ngày. Những người tải lượng virus cao, có nguy cơ lây nhiễm cho người khác hoặc bản thân người đó nguy cơ cao (chưa tiêm vắc xin, hệ miễn dịch yếu...) thì nên cân nhắc dùng sớm thuốc kháng virus.
Kháng sinh: Những người dễ bội nhiễm vi khuẩn (bệnh nền, đề kháng kém, hay viêm đường hô hấp do vi khuẩn...) thì phải chuẩn bị sẵn sàng kháng sinh để nếu cần thì sử dụng ngay.
Kháng đông: Dùng để phòng chống bão cytokin, có thể cân nhắc dùng sớm, dự phòng ở những người có nguy cơ dễ tạo cục máu đông và không có chống chỉ định.
Kháng viêm corticoid: Chống bão cytokin. Không được dùng để dự phòng, khi SpO2 còn trên 95% tuyệt đối không dùng, đặc biệt trong 7 ngày đầu (virus đang nhân lên).
Điều trị triệu chứng khi là F0, theo BS Hoàng nếu người bệnh sốt thì hạ sốt (Paracetamol hoặc Ilubrofen), lau người nước ấm, xông lá... Người bệnh bị ho: Dùng giảm ho, bổ phế, long đờm, chống dị ứng, giảm kích thích đường thở.
Triệu chứng ngạt mũi: Nhỏ nước muối sinh lý, thuốc làm co mạch (ví dụ Otrivin 0,05 hoặc 0,1%), ColdiB... Nếu bạn rối loạn tiêu hóa: men tiêu hóa, Smecta, berberin... Mất ngủ: Melatonin, an thần thảo dược (Mimosa). Nếu căng thẳng, lo lắng: an thần thảo dược, Magne B6, vận động nhẹ.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Hà Nội tính đến 18h ngày 8/1, thành phố đang điều trị cho 43.695 người mắc Covid-19.
Các bệnh nhân được phân bổ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (126), Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (215), các bệnh viện thuộc Hà Nội (2.842), cơ sở thu dung của thành phố (1.278), cơ sở thu dung cấp quận/huyện (5.403). Ngoài ra, 33.831 F0 đang được theo dõi và cách ly tại nhà.
Khánh Chi