Bác sĩ chỉ cách để cựu F0 ngủ ngon, sâu giấc hơn
Mất ngủ là ám ảnh của khá nhiều người khi mắc Covid-19 và sau khi khỏi bệnh, tình trạng khó ngủ, ngủ giấc ngắn, ảnh hưởng tới sức khoẻ, công việc. Dưới đây bác sĩ tư vấn giúp F0 cách dễ ngủ và ngủ ngon hơn hậu Covid-19
Theo BS CK II Huỳnh Tấn Vũ – Giảng viên trường Đại học Y Dược TP.HCM, hàng ngày số bệnh nhân tới khám hậu Covid-19 rất nhiều bệnh nhân gặp vấn đề về mất ngủ. Mất ngủ trong giai đoạn cách ly theo dõi điều trị và sau khi khỏi họ vẫn không thể ngủ ngon trở lại.
Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng sau khi nhiễm Covid-19, giấc ngủ của nhiều người thay đổi so với trước khi nhiễm bệnh như người bệnh cảm thấy khó đi vào giấc ngủ hoặc không ngủ được; thức dậy sớm hơn bình thường và không thể ngủ lại, thậm chí sau khi thức giấc có cảm giác mệt mỏi như chưa ngủ.
BS Vũ cho rằng hậu quả của mất ngủ kéo dài sẽ có xu hướng giảm khả năng miễn dịch và độ nhạy cảm với virus cao hơn; thiếu ngủ có tác động tiêu cực đến sự điều chỉnh cảm xúc và tâm trạng, khiến trí nhớ và việc ra quyết định kém đi, có thể gây ra các vấn đề về tim mạch, trao đổi chất, huyết áp cao...
Việc điều trị mất ngủ hiện nay, theo BS Vũ bệnh nhân có thể sử dụng cả thuốc Đông và Tây y. Thuốc Tây sử dụng các loại thuốc có hiệu quả ngay, nhưng dễ gây nghiện và dễ gây lờn thuốc, tăng liều nhiều lần.
Trong Đông y thường dùng thuốc buổi tối, có thể dùng độc vị như lạc tiên, lá vông, tâm sen, thảo quyết minh, củ bình vôi.
Mất ngủ sau khi mắc Covid-19 là triệu chứng khá nhiều người gặp phải |
Ngoài ra, các động tác xoa bóp người bệnh có thể tự làm tại nhà để đi vào giấc ngủ sâu hơn như xoa đầu, mặt, cổ, gáy, xoa bàn chân.
Để xoa đầu, mặt, cổ gáy bạn nên ngồi tư thế hoa sen, thở tự nhiên, hai lòng bàn tay úp vào nhau và xát chúng cho mạnh và nhanh để hai bàn tay thật nóng trước khi xoa, đầu ngửa về sau, hai tay đặt dưới cằm áp vào mặt, xoa mặt từ dưới lên đến đỉnh đầu, đồng thời dần dần cúi đầu về phía trước, hai tay xoa từ đỉnh xuống vùng chẩm, rồi xoa hai bên cổ, áp vào cằm đầu ngửa hẳn về phía sau. Tiếp tục lặp lại từ 10-20 lần.
Với động tác xoa bóp bàn chân, bạn có thể đặt thõng chân, thở tự nhiên, xoa hai lòng bàn chân, mu bàn chân hoặc phía trong bàn chân với nhau. Xoa chân hai ngày một lần, giúp bàn chân ấm, dễ ngủ hơn. Nếu bạn tự xoa bóp bấm huyệt và xoa bóp bấm huyệt như trên mà vẫn mất ngủ, ngủ không ngon giấc, chúng ta nên đến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều chỉnh giấc ngủ phù hợp.
Có thể sử dụng massage cũng được xem là cách giúp trị mất ngủ. Người bệnh có thể đến cơ sở y tế cấp phép massage trị liệu: Nếu có điều kiện, thời gian đầu nên đến các cơ sở massage, bấm huyệt có giấy phép hành nghề để được xoa bóp vùng đầu, chú trọng vào huyệt an miên, huyệt huyệt nội quan, huyệt thần môn. Khi đã cải thiện thì kỹ thuật viên sẽ hướng dẫn các động tác xoa đầu, mặt, chải đầu bằng tay… cải thiện tình trạng mất ngủ. Bên cạnh đó, buổi tối trước khi ngủ người bệnh có thể tập yoga, khí công, góp phần cải thiện tuần hoàn, giúp giấc ngủ trọn vẹn hơn.
BS Vũ cũng lưu ý buổi tối không nên uống cà phê, rượu, chất kích thích, không ăn thức ăn khó tiêu và không vận động mạnh trong vòng hai giờ trước khi đi ngủ. Bạn có thể sử dụng thêm lạc tiên, tâm sen, thảo quyết minh.
Khi sử dụng các thực phẩm chức năng trị mất ngủ, bác sĩ Vũ lưu ý người bệnh cần biết thành phần trong thực phẩm chức năng, bệnh cảnh, thiếu các chất nào để bổ sung.
Tốt nhất để biết chính xác cơ thể chúng ta thiếu gì thì cần phải thăm khám, đánh giá, làm xét nghiệm, sau đó mới thông qua thực phẩm chức năng phù hợp để bồi dưỡng, nâng cao sức khỏe, thể trạng.
Khánh Chi