6 chùm ca mới với 2 ổ dịch phức tạp trong cộng đồng, Hà Nội vẫn quyết định cách ly F1 tập trung
Theo Phó Giám CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn, quan điểm của thành phố từ trước đến nay, kể cả đến bây giờ cho đến sau này vẫn cách ly F1 tập trung.
Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân huyện Quốc Oai |
Hà Nội sẽ vẫn áp dụng cách ly F1 tập trung
Tại buổi làm việc với UBND TP Hà Nội ngày 2/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, thành phố phải rất cảnh giác, không được chủ quan, bởi thực tế cả nước cho thấy, dịch đã xâm nhập rất sâu trong cộng đồng.
Hà Nội phải sẵn sàng các tình huống xấu hơn để có sự chuẩn bị cao hơn, không để bị động, bất ngờ. Các giải pháp phòng, chống dịch phải thống nhất. Đặc biệt, những nguyên tắc ban đầu trong phòng, chống dịch, gồm ngăn chặn, khoanh vùng, cách ly vẫn phải thực hiện, nhưng có sự điều chỉnh linh hoạt và sát thực tiễn.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị, bên cạnh các phương án đang triển khai, Hà Nội cần bổ sung các phương án khác, tiến hành tập dượt như thí điểm cách ly F1, điều trị tại nhà F0 có đủ điều kiện để xây dựng quy trình, tập huấn cho y tế tuyến dưới.
Được biết, trước đó CDC Hà Nội cũng đã đề xuất thí điểm thực hiện cách ly F1 tại nhà.
Tuy nhiên, sáng 3/11, trao đổi với phóng viên Infonet, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc CDC Hà Nội cho biết, “Quan điểm của Thành phố từ trước đến nay, kể cả đến bây giờ cho đến sau này vẫn cách ly tập trung hết”.
Đánh giá về tình hình dịch của Hà Nội những ngày qua, ông Tuấn cho rằng việc có ca bệnh, có chùm ca bệnh là chuyện bình thường. Lý do là Hà Nội đã mở cửa thì xuất hiện ổ dịch ở đâu thì dập ở đấy thôi không thể đóng được nữa. Theo đúng NQ 128 của Chính phủ.
Hiện ca bệnh rải rác trong cộng đồng, dịch “ngấm" sâu trong cộng đồng thì việc phòng bệnh của mỗi cá nhân là quan trọng số 1. Theo đó, ông Tuấn nhấn mạnh, mỗi cá nhân cần nghiêm túc tuân thủ các biện pháp phòng dịch vì “không thể giãn cách như ngày xưa nữa”.
“Phòng dịch của mỗi cá nhân là số 1, thực hiện 5K, hạn chế tiếp xúc được tới đâu là tốt tới đó”, ông Tuấn nhấn mạnh.
6 chùm ca mới trong cộng đồng, nguy cơ dịch hiện hữu
Cũng liên quan đến tình hình dịch của Hà Nội, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, Thành phố đã quyết tâm triển khai các giải pháp theo nguyên tắc “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”. Tình hình dịch trên địa bàn Hà Nội hiện vẫn đang trong tầm kiểm soát.
Tuy nhiên, từ ngày 11/10 đến nay, số ca mắc trung bình trong ngày tăng mạnh so với thời gian thực hiện bình thường mới từ ngày 21/9 đến ngày 10/10 (bình quân 21 ca/ngày so với 5,7 ca/ngày giai đoạn trước đó). Hà Nội từ ngày 11/10 đến nay cũng liên tục xảy ra các chuỗi lây nhiễm phức tạp liên quan tới việc tập trung đông người.
Đặc biệt từ ngày 28/10 đến ngày 1/11, số ca nhiễm lên bình quân từ 33-57 ca/ngày. “Dịch xâm nhập từ các địa phương có dịch diễn biến phức tạp và việc tập trung đông người do áp dụng nới lỏng vẫn là nguy cơ hiện hữu”, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội lo ngại.
Trong khi đó, theo báo cáo của Sở Y tế, số người về từ các địa phương vẫn lớn. Hiện Hà Nội đang cách ly 1.975 người/25 cơ sở cách ly công dân bao gồm: các trường hợp F1, nhập cảnh và từ vùng dịch về. Hà Nội cũng đã phải kích hoạt 42 cơ sở/14.639 chỗ, hiện đang cách ly 1.975 người.
Trong số 48 bệnh nhân mắc Covid-19 có tới 32 người đã tiêm đủ 2 mũi, 11 người tiêm 1 mũi số người chưa được tiêm là 5 trường hợp. Ngoài ra, Thành phố cũng ghi nhận 24 trường hợp lây nhiễm thứ phát từ các ca bệnh này.
Hiện Thành phố ghi nhận 6 chùm ca bệnh mới phát sinh trong cộng đồng gồm:
Chùm ca bệnh tại huyện Quốc Oai đã ghi nhận 110 ca mắc; Chùm ca bệnh tại thôn Bạch trữ, xã Tiến Thắng huyện Mê Linh đã ghi nhận 64 ca mắc; Chùm ca bệnh tại Ô Chợ Dừa, Đống Đa ghi nhận 36 ca mắc; Chùm ca bệnh tại Lĩnh Nam, Hoàng Mai ghi nhận 16 ca mắc; Chùm ca bệnh tại đường Lê Đức Thọ, Nam Từ Liêm đã ghi nhận 4 ca mắc; Chùm ca bệnh tại Phú Vinh, An Khánh, Hoài Đức ghi nhận 8 ca mắc.
Theo lãnh đạo Sở Y tế, trong các chùm ca bệnh trên, hai chùm ca bệnh tại Sài Sơn, Quốc Oai và Bạch Trữ, Mê Linh đều liên quan đến việc tụ tập đông người (đám ma, đám cưới); Các ca bệnh phần lớn mang tính chất gia đình, nhiều người trong gia đình cùng mắc, đa phần đều đã được tiêm vắc xin, hầu hết các ca bệnh đều không có triệu chứng.
N. Huyền