Sự thật ăn nhiều đường gây bệnh đái tháo đường?
Nhiều người cho rằng khi cơ thể được dung nạp quá nhiều những thức ăn, thực phẩm giàu đường sẽ gây ra bệnh đái tháo đường.
Ông Nguyễn Việt Bính (61 tuổi, trú tại Văn Giang, Hưng Yên) tìm tới bác sĩ khám vì mệt mỏi, thèm ăn ngọt; ông Bính sợ rằng mình mắc bệnh đái tháo đường.
Tuy nhiên, khi khám cho bệnh nhân bác sĩ chỉ thấy ông Bính có dấu hiệu gan nhiễm mỡ, rối loạn mỡ máu và tăng huyết áp, đường huyết ở mức dưới 6mmol/l lúc đói.
Người nhà của ông Bính cho biết ông rất thích ăn đường, bánh kẹo, các thực phẩm ngọt ông đều nghiện. Thậm chí, thi thoảng ông Bính thèm ngọt còn lấy đường cát ra ăn.
Hay trường hợp của Đỗ Anh Tuấn (27 tuổi, trú tại Hà Đông, Hà Nội) bị đái tháo đường. Mẹ của Tuấn cho biết anh rất nghiện đồ ngọt. Từ khi còn bé, Tuấn có thể ăn hết cái bánh gato cỡ trung bình, nước ngọt Tuấn có thể uống đến no.
Trong các loại hoa quả, Tuấn chỉ thích những loại nào ngọt sắc. Chính vì thích đồ ngọt nên lúc phát hiện đái tháo đường, cậu hết sức bất ngờ.
Tuấn nghĩ rằng do thói quen ăn uống của mình làm dư đường. Tuy nhiên, bác sĩ giải thích đồ ngọt khiến Tuấn tăng cân, béo phì và đái tháo đường chứ không trực tiếp gây ra đái tháo đường.
TS BS Trần Quang Nam – Trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết đái tháo đường có nhiều nguyên nhân như tình trạng gia tăng tỷ lệ người thừa cân béo phì, thói quen ăn uống thiếu khoa học, lười vận động và một phần mang yếu tố di truyền.
Ảnh minh họa. |
Từ trước tới nay người dân vẫn quan niệm ăn nhiều đường thì mới bị đái tháo đường, thực chất không đúng như vậy.
TS Nam cho biết, khi ăn đường hay ăn socola nhiều - những thực phẩm này có năng lượng cao làm tăng cân, làm thay đổi rối loạn chuyển hoá đường, chuyển hoá mỡ dẫn tới nguy cơ bị đái tháo đường tăng lên.
Vì vậy, TS Nam khuyến cáo, không nên ăn nhiều đường. Nhất là tuổi dậy thì ăn nhiều đường, gây dư thừa năng lượng và dẫn tới béo phì. Béo phì là 'thủ phạm' số 1 gây bệnh đái tháo đường.
Tiểu đường có hai loại - tiểu đường tuyp 1 và tiểu đường tuyp 2. Bệnh tiểu đường tuyp 1 hay gặp ở trẻ nhỏ. Tiểu đường tuyp 2 gặp ở người lớn nhưng gần đây đang trẻ hoá.
Đái tháo đường thứ phát, theo BS Nam, hiện nay, có các trường hợp rối loạn đường huyết do bệnh cường giáp, lạm dụng corticoid, bệnh nhân bị sỏi tuỵ gây tổn thương tuỵ ngoại tiết để tiết ra men tiêu hoá, giảm tiết insuline gây rối loạn đường huyết.
Tiểu đường ở thời kỳ mang thai: Phụ nữ trước khi mang thai không bị đái tháo đường nhưng trong lúc mang thai họ bị rối loạn đường huyết. Đái tháo đường thai kỳ thường là những phụ nữ có sẵn các yếu tố tăng đường huyết như có cha, mẹ bị đái tháo đường, béo phì.
Để phòng bệnh đái tháo đường, TS Nam cho biết, theo khuyến cáo từ Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA), rèn luyện thói quen sống lành mạnh là chiếc chìa khóa vàng. Các phương pháp này rất đơn giản, không tốn kém, không gây đau đớn và ai cũng có thể thực hiện được để đầy lùi căn bệnh mãn tính này.
Giảm cân, đưa cơ thể về mức cân đối là ưu tiên hàng đầu khi điều trị bệnh đái tháo đường. Giảm cân thông qua việc áp dụng chế độ dinh dưỡng phù hợp, tăng cường rèn luyện thể lực và thư giãn tinh thần. Tùy thể trạng của từng người, bác sĩ chuyên khoa sẽ vạch ra tiến trình giảm cân, điều hòa glucose máu hiệu quả nhất.
Để cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho hoạt động của cơ thể, tránh nguy cơ mắc đái tháo đường, BS Nam khuyến cáo, bạn nên lựa chọn các nguồn thực phẩm có chứa đường tự nhiên để thay thế cho đường tinh luyện.
Hạn chế ăn vặt hoặc ăn vặt lành mạnh, những loại thực phẩm như bánh kẹo, socola, nước ngọt thường chứa hàm lượng đường khá cao. Do đó, bạn nên hạn chế sử dụng và lựa chọn những thực phẩm ăn vặt tốt cho cơ thể như các loại hạt, sữa chua, trái cây.
Bổ sung thêm nhiều rau củ quả tươi, ngoài cách ăn trực tiếp thì bạn cũng có thể chế biến rau, củ, quả thành sinh tố, nước ép để dung nạp cho cơ thể mỗi ngày.
Hạn chế đồ uống đóng chai, trà sữa vẫn được khuyến khích hạn chế sử dụng. Thay vào đó, bạn nên dùng những loại nước ép trái cây, nước lọc sẽ tốt hơn cho sức khỏe của bạn.
K.Chi