Đi bọc răng sứ làm đẹp, người phụ nữ phải nhập viện trong tình trạng lợi tụt, miệng hôi
Mơ có hàm răng trắng, người phụ nữ đã đi bọc răng sứ nhưng sau đó chị phải đến viện trong tình trạng viêm lợi, vùng răng cửa hàm trên sau bọc răng sứ lợi tụt, miệng hôi, mất thẩm mỹ nghiêm trọng…
Mở góc mắt để cuốn hút ai dè 'lợn lành thành lợn què', mắt trợn ngược lòng trắng
Đôi mắt nhỏ là một trong số những nhược điểm khiến gương mặt khá buồn và thiếu sức sống nên nhiều chị em tìm tới phương pháp mở rộng góc mắt và không ít câu chuyện dở khóc dở cười đằng sau việc đi mở góc mắt.
Trung tâm Răng hàm mặt - Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) vừa tiếp nhận nữ bệnh nhân đến khám trong tình trạng viêm lợi tái phát nhiều lần trong năm, vùng răng cửa hàm trên sau bọc răng sứ, lợi tụt, miệng hôi, mất thẩm mỹ nghiêm trọng.
Bệnh nhân được khám lâm sàng và các cận lâm sàng phù hợp, phát hiện nang xương hàm trên do cầu răng cửa sứ hàm trên bị viêm nhiễm lâu ngày gây ra. Ngay sau đó, người phụ nữ này được tư vấn cần nhập viện phẫu thuật loại bỏ cầu răng sứ và nang xương hàm. Sau phẫu thuật bệnh nhân sẽ được tư vấn phục hình răng thẩm mỹ.
Bọc răng sứ là phương pháp sử dụng mũ sứ chụp lên răng thật (đã được mài nhỏ để làm trụ) nhằm che đi khuyết điểm của răng.
Bác sĩ Chuyên khoa 1 Lê Duy Hùng cho biết, hiện nay, phục hình răng sứ thẩm mỹ hay còn gọi là bọc răng sứ, phủ sứ, chụp sứ... đang trở thành một xu thế được nhiều người quan tâm, đặc biệt là phái nữ. Kỹ thuật này đòi hỏi công nghệ kỹ thuật cao và bác sĩ thực hiện phải có kinh nghiệm cùng chuyên môn vững chắc để đảm bảo kết quả tốt nhất, hạn chế tối đa các biến chứng sau khi hoàn thành.
Nhưng kiến thức về sự an toàn, cách thức thực hiện của phương pháp này thì hầu hết mọi người đều đã bỏ qua, một số ít tìm hiểu sơ sài và dễ trở nên thiếu hiểu biết, dẫn đến quyết định chưa thật sự đúng đắn.
Theo bác sĩ Lê Duy Hùng “không phải hàm răng bất kỳ nào cũng có thể bọc được răng sứ”. Răng khấp khểnh, chen chúc thiếu khoảng, răng có sai lệch khớp cắn (móm, hô...) đều nằm trong chỉ định tuyệt đối không được thực hiện phục hình bọc răng sứ.
Nếu răng sứ làm sai chỉ định sẽ gây ra các biến chứng từ nhẹ đến nguy hiểm. Có nhiều trường hợp đã phải thực hiện phẫu thuật nang xương hàm mặt do biến chứng của phục hình răng sứ sai cách.
Theo vị bác sĩ chuyên khoa này, những biến chứng thường gặp phải bao gồm: Viêm chân răng và viêm lợi vùng răng sứ do xâm lấn mài quá sâu vào tổ chức răng thật, khe hở giữa răng sứ và chân răng còn lại quá lớn. Biểu hiện lợi viêm đỏ, chảy máu, thâm đen vùng tiếp xúc chân răng sứ và răng thật, hôi miệng.
Hàm răng đen sì nham nhở, tụt lợi, hôi hám của nữ bệnh nhân sau bọc răng sứ. |
Một biến chứng khác nữa là nếu làm răng sứ sai chỉ định rất hay gặp là viêm tuỷ răng - có thể hình thành nang xương hàm do viêm tuỷ chân răng.
“Nguyên nhân là do trong quá trình thực hiện mài răng bất chấp chỉ định như răng xô lệch khấp khểnh nặng, răng hô chìa sẽ kéo theo việc phải có chỉ định lấy tuỷ răng. Tuy nhiên, với các cơ sở chỉ thực hiện bọc răng thì dẫn đến chỉ định lấy tủy răng cũng thường thực hiện không đảm bảo. Tủy răng sau đó bị viêm ngược xuống chân răng, tạo thành ổ viêm lâu ngày gây nang xương hàm, tiêu ngót xương hàm và ngoại tiêu chân răng. Trường hợp nặng nang xương hàm phát triển có thể gây biến dạng xương vùng hàm mặt có răng viêm”, bác sĩ Lê Duy Hùng phân tích.
Ngoài ra, bác sĩ Hùng cũng lưu ý tình trạng sai lệch khớp cắn từ nhẹ đến nặng nếu gặp phải biến chứng khi làm răng sứ. Bởi vì, sau phục hình răng đúng chỉ định, chúng ta sẽ trở lại sinh hoạt và ăn uống bình thường.
“Nếu có các biểu hiện đau nhức, khó ăn nhai, ngay cả khi không thực hiện cử động nhai cũng có nghĩa là chúng ta đã gặp vấn đề khi phục hình răng sứ và cần được thăm khám lại”, bác sĩ khuyến cáo.
Một biến chứng khác cũng hay gặp đó là tình trạng lung lay răng và rụng răng sau phục hình bọc răng sứ. Từ những viêm nhiễm đơn giản như viêm lợi quanh răng, điều trị tủy trong phục hình răng sứ sai cách, sai khớp cắn gây sang chấn răng sau phục hình đều dẫn đến nguy cơ răng bị lung lay, mất chức năng ăn nhai và rụng trong tương lai.
“Trước khi thực hiện mong muốn thay đổi hàm răng và nụ cười của mình, chúng ta cần tìm hiểu thật kỹ các cơ sở khám chữa bệnh nha khoa. Đặt câu hỏi với giả thuyết đơn giản như sau:
Răng của tôi bị khấp khểnh, nếu nắn chỉnh răng mất 2 năm, nếu làm răng sứ mất 3 ngày. Bác sĩ nào sẽ theo đuổi điều trị và khuyên bạn lựa chọn phương pháp 2 năm thay vì thực hiện phương pháp nhanh gọn trong 3 ngày.
Tại sao bác sĩ lại khuyên bạn niềng răng trong 2 năm rồi mới làm được phục hình răng sứ thẩm mĩ mà lại không thực hiện ngay. Vì chỉ có niềng răng mới giúp răng và chân răng của bạn sắp xếp lại thẳng đều trên xương hàm”, BS Duy Hùng đưa ra lời khuyên.
N. Huyền