Mắc hội chứng này bạn có nguy cơ bị ung thư sau tuổi 40
Ung thư đại trực tràng là căn bệnh liên quan tới yếu tố di truyền với hai hội chứng thường gặp là lynch và đa polyp.
Ung thư đại trực tràng hiện nay đang có xu hướng trẻ hóa, nguyên nhân chính nằm ở việc chúng ta đã không chú ý đến chế độ ăn uống, sinh hoạt hàng ngày một cách lành mạnh và khoa học.
Tại Việt Nam, theo thống kê năm 2018, ghi nhận 14.733 trường hợp mắc mới và 7.856 ca tử vong vì căn bệnh này.
TS Phạm Văn Bình, Phó giám đốc Bệnh viện K Trung ương cho biết, ung thư đại trực tràng tại Việt Nam ngày càng trẻ hoá và đây cũng là một trong số ít bệnh ung thư có tính di truyền.
Ung thư trực tràng chưa xác định được nguyên nhân chính gây bệnh nhưng nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng một số bệnh di truyền làm tăng yếu tố nguy cơ ung thư đại trực tràng.
Khoảng 5% bệnh nhân ung thư đại trực tràng có yếu tố di truyền về gene, với hai hội chứng chính hay gặp. Hai hội chứng điển hình gây ung thư đại tràng mà các thành viên trong gia đình có thể gặp phải:
Thứ nhất là hội chứng Lynch, tức ung thư đại trực tràng di truyền không phải đa polyp. Hội chứng này là nguyên nhân của 2-4% ca ung thư đại trực tràng, thường do di truyền sự khiếm khuyết ở một gene MLH1 hoặc MSH2... Sự đột biến ở những gene khác cũng có thể gây hội chứng này.
Thứ hai là hội chứng đa Polyp có tính chất gia đình. Theo PGS Bình, nguyên nhân do đột biến gene APC, di truyền từ bố mẹ sang con. Gene APC ức chế sự hình thành của khối u sinh ra ở đại tràng và có sự đột biến. Nó chiếm khoảng 1% ca ung thư đại trực tràng.
Ảnh minh hoạ. |
BS Hà Hải Nam – Phó khoa Ngoại 1, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều cũng cho biết bản thân ông gặp rất nhiều bệnh nhân còn trẻ đã bị ung thư đại trực tràng. Thậm chí có bệnh nhân bố mới qua đời vì ung thư đại trực tràng thì bản thân đi khám cũng phát hiện ra bệnh.
Ví dụ một trường hợp 12 tuổi đã mắc ung thư đại trực tràng. Bệnh nhi có tiền sử táo bón từ rất sớm. Theo mẹ bệnh nhi, từ lúc em khoảng 7-8 tuổi đã xuất hiện đau bụng, nhưng siêu âm kết quả bình thường. Tới 12 tuổi, các cơn đau xuất hiện nhiều và bệnh nhi đi ngoài lẫn máu. Bệnh nhi được nội soi, kết quả nghi ngờ ung thư nên đã được chuyển tới bệnh viện K điều trị.
Tại bệnh viện K, bệnh nhi được chẩn đoán mắc ung thư đại tràng trái và có chỉ định phẫu thuật. Sau đó, bệnh nhi phải điều trị hoá chất.
Bác sĩ Nam cho biết khi khai thác tiền sử bệnh, mẹ của bệnh nhi cho biết biết bệnh nhi có bác, ông nội đã mắc ung thư đại trực tràng và mất sớm.
Một trường hợp khác mắc bệnh khi còn khá trẻ là bệnh nhân nam 17 tuổi. Bệnh nhân có triệu chứng đi ngoài ra máu nên được bố mẹ đưa đi khám. BS Nam cho biết không may cho trường hợp người bệnh này, ở thời điểm phát hiện, ung thư trực tràng đã di căn gan.
Khối u của bệnh nhân khá lớn, nguy cơ bán tắc ruột. Sau phẫu thuật, bệnh nhân phải truyền hoá chất. Bệnh nhân này cũng có yếu tố gia đình: Bố bệnh nhân mất sớm do mắc ung thư đại trực tràng. Anh trai bệnh nhân cũng mắc ung thư đại trực tràng, thời điểm phát hiện là khi 28 tuổi.
Bác sĩ Nam đã từng phẫu thuật cho một trường hợp bệnh nhân nữ 18 tuổi. Nữ bệnh nhân khi tới khám trong lòng đại tràng có hàng trăm polyp.
Theo lời kể của mẹ người người bệnh, bố của bạn nữ kia cũng mắc ung thư đại trực tràng và mất khi mới 40 tuổi. 2 năm sau ngày bố mất, vì lo ngại căn bệnh ung thư đại trực tràng có thể di truyền nên bệnh nhân đã đi khám. Nữ bệnh nhân này đã phải cắt bỏ toàn bộ đại tràng. Nếu không được cắt sớm, thì chỉ 5-7 năm sau các polyp kia có thể thành ung thư, khi đó điều trị sẽ rất khó khăn.
Theo BS Nam, ung thư đại trực tràng là căn bệnh có tỷ lệ di truyền rất cao trong số các bệnh ung thư. Ung thư đại trực tràng có yếu tố gia đình thường gặp ở người có bệnh lý đa Polyp (Familiar Adenomatous Polyposis-FAP), và người mắc hội chứng Lynch.
Với đa Polyp di truyền yếu tố gia đình, tỷ lệ di truyền cho thế hệ sau lên tới 80%. Những trường hợp này, nguy cơ ung thư hoá từ tuổi 40 trở đi gần như là 100% nếu không được phát hiện sớm điều trị dự phòng.
Để phòng ngừa ung thư đại trực tràng, bác sĩ khuyến cáo mọi người cần tăng cường vận động thể chất. Hạn chế ăn mỡ, thịt động vật; giảm kcal và chất béo từ 40% xuống 20-25%, giảm ăn thịt đỏ, tăng cường các loại rau xanh, trái cây.
Bạn nên hạn chế thức ăn muối, lên men, cá khô, nước tương, thịt xông khói. Tránh để những chất gây đột biến gene nhiễm trong thức ăn như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc tăng trọng. Hạn chế lạm dụng rượu, bia và các chất lên men khác.
Với những người có người thân mắc bệnh ung thư này cần đi tầm soát bệnh sớm ở các cơ sở y tế chuyên khoa.
K.Chi