Khoảng cách với SJC của vàng miếng
Vàng miếng khác kéo gần khoảng cách với SJC
Mở cửa phiên giao dịch thứ 2 của năm mới, giá vàng miếng phi SJC vẫn giữ khoảng cách ổn định, khoảng 600.000 – 700.000 đồng/lượng so với vàng miếng SJC. Cụ thể: vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu được niêm yết ở mức giá 44,35 – 44,60 triệu đồng/lượng, vàng AAA của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có giá 44,10 – 44,50 triệu đồng/lượng.
Sáng nay (31/1), giá vàng trong nước đã giảm khoảng 500.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng qua.
Vàng PNJ của Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận được công bố vào đầu giờ sáng nay ở mức 45,0 – 45,2 triệu đồng/lượng. Như vậy, so với sáng qua, giá mua vào đã giảm 500.000 đồng/lượng, bán ra giảm đến 600.000 đồng/lượng.
Sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán, giá vàng trong nước đã liên tiếp giảm theo đà giảm của thế giới. Đóng cửa phiên hôm qua, giá vàng giao tháng 4 trên sàn Comex New York giảm 0,1%, xuống 1.734,4 USD/oz.
Tuy nhiên, sáng nay, giá vàng thế giới đã tăng nhẹ lên mức 1.737 USD/ounce. Theo đà này, giá vàng trong nước có thể sẽ tăng dần trong vài giờ tới.
Hiện giá vàng thế giới quy đổi theo tỉ giá USD trong ngân hàng tương đương 44,0 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá vàng trong nước – thế giới đang ở mức cao hơn 1,0 triệu đồng/lượng.
Giá vàng không phải SJC đang kéo dần khoảng cách với thương hiệu vàng quốc gia -SJC |
Giá vàng miếng SJC sáng nay đứng ở mức giá 45,20 – 45,40 triệu đồng/lượng. Như vậy, khoảng cách chênh lệch giữa các thương hiệu vàng miếng khác nhau đang được kéo gần lại, so với thời điểm trước Tết mức chênh này là hơn 1 triệu đồng/lượng.
Chỉ duy nhất có thương hiệu vàng SBJ của Sacombank –SBJ vẫn được niêm yết mức giá ngang bằng với giá của vàng miếng SJC. Tại thị trường thành phố Hồ Chí Minh, giá vàng SBJ và SJC là 45,05 – 45,35 triệu đồng/lượng, mức giá này rẻ hơn tại Hà Nội tương ứng 150.000 đồng/lượng ở chiều thu mua và 50.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.
Tuy thế, so với chốt phiên giao dịch chiều hôm qua, giá vàng SJC đã "bật dậy", tăng 300.000 đồng/lượng ở mỗi chiều mua – bán, sau khi giảm 800.000 đồng/lượng so với ngày giao dịch đầu tiên của năm mới.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, hiện lượng vào trong dân tương đối lớn, khoảng 300-500 tấn. Thời gian tới, cơ quan này sẽ có những biện pháp mạnh tay để chấn chỉnh thị trường vàng, mấu chốt là làm sao huy động được số vàng "khủng" đang nằm trong dân.
Cụ thể, cơ quan này đã trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định thay thế Nghị định 174 về quản lý hoạt động sản xuất và kinh doanh vàng, trong đó có hoạt động sản xuất kinh doanh vàng miếng và thừa nhận quyền sở hữu, tích trữ và quyền mua bán vàng của người dân. Trên cơ sở đó, cùng với Nghị định số 95/2011/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực kinh doanh ngoại tệ và vàng đã được ban hành, NHNN sẽ trình Chính phủ đề án huy động vàng trong dân để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.
Về đề án huy động vàng trong dân, theo Ngân hàng Nhà nước, các TCTD sẽ làm đại lý cho NHNN trong việc huy động vàng. Như vậy, Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào thị trường mà thông qua các tổ chức trung gian là các TCTD.
Mặt khác, cùng nhiều công cụ khác như kinh doanh vàng trên thị trường quốc tế... Nhà nước sẽ bảo hiểm được rủi ro do biến động của giá vàng thế giới, đảm bảo giá trị tài sản của người dân mà vẫn có thể sử dụng số vàng đó quy đổi thành ngoại tệ để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Trường Giang-ngọc khôi