Khó khăn nhất trong phòng chống tác hại thuốc lá do ngành công nghiệp này
Bác sĩ, thạc sĩ Phạm Thị Hoàng Anh – Giám đốc Tổ chức Healthbridge Canada |
Báo điện tử Infonet đã có cuộc phỏng vấn Bác sĩ, thạc sĩ Phạm Thị Hoàng Anh – Giám đốc Tổ chức Healthbridge Canada tại Việt Nam về nỗ lực của Chính phủ cũng như sự quan tâm của quốc tế tới công tác phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam.
Thưa bà, bà đã công tác trong lĩnh vực phòng chống tác hại thuốc lá ở Việt Nam trong thời gian bao lâu?
Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Thị Hoàng Anh: Tôi đã làm việc toàn thời gian trong lĩnh vực này là 13 năm, trước đó là một chuyên gia dịch tễ học ung thư, tôi cũng đã có tham gia vào vận động chính sách và nghiên cứu về tác hại thuốc lá trong nhiều năm.
Trong quá trình tham gia hoạt động, bà thấy có những thuận lợi gì trong việc thực hiện phòng chống tác hại thuốc lá ở Việt Nam?
Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Thị Hoàng Anh: Thuận lợi trong công tác PCTHTL ở Việt Nam phải kể đến thứ nhất là sức khỏe là một vấn đề luôn được quan tâm trong các văn bản về chính sách của Đảng và nhà nước và PCTHTL lại là một vấn đề của sức khỏe cộng đồng. Việt Nam đã gia nhập Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới từ năm 2003, và Chính Phủ và Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012, có hiệu lực từ 01/05/2013.
Luật quy định các chính sách kiểm soát thuốc lá cơ bản phù hợp với khuyến cáo Công ước khung về kiểm soát thuốc lá tại Việt Nam như quy đinh cấm hoàn toàn quảng cáo và tiếp thị thuốc lá, in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh (50% diện tích vỏ bao), cấm hút thuốc nơi làm việc và những nơi công cộng khác, v.v.Việc ban hành Luật là khẳng định quyết tâm ngăn chặn tác hại của thuốc lá ở Việt Nam; và là văn bản pháp lý cao nhất tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phòng, chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam. Cùng với đó, Quỹ PCTHTL ra đời từ 2013 đã tạo nguồn lực quan trọng và bền vững để duy trì các hoạt động trong lĩnh vực PCTHTL.
Cho đến nay, với sự hỗ trợ của Quỹ PCTHTL, Ban chỉ đạo PCTHTL của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã được thành lập. Việt Nam cũng nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật lớn từ các tổ chức quốc tế như tổ chức Y tế thế giới, Liên minh kiểm soát thuốc lá Đông nam á (SEATCA), v.v
Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về tác hại thuốc lá cũng đang dần được nâng cao giúp cho việc thực thi các chính sách PCTHTL tạo được sự đồng thuận tốt hơn.
Khó khăn lớn nhất trong phòng chống tác hại thuốc lá ở Việt Nam là gì?
Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Thị Hoàng Anh: Khó khăn lớn nhất trong phòng chống tác hại thuốc lá ở Việt Nam đó chính là sự can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá.
Ngành công nghiệp thuốc lá ở Việt Nam có nhiều cơ hội để can thiệp vào quá trình xây dựng các chính sách về PCTHTL. Ví dụ như ngành CNTL tham gia góp ý chính sách thuế TTĐB, ngành CNTL phối hợp và hỗ trợ kinh phí cho Chính phủ trong phòng chống buôn lậu thuốc lá, ngành CNTL có thể gặp gỡ các quan chức chính phủ cấp cao và qua đó đề xuất các kiến nghị nghị các chính sách có lợi và tăng vị thế, đặc biệt, có sự luân chuyển cán bộ cấp cao giữa ngành CNTL và Chính phủ khi lãnh đạo doanh nghiệp thuốc lá trở thành cán bộ cao cấp của Bộ Công thương và ngược lại.
Bên cạnh tác động tới chính sách, ngành CNTL cũng có nhiều chiến lược tác động tới người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ. Mặc dù luật pháp đã cấm tất cả các hình thức quảng cáo và tiếp thị thuốc lá, nhưng ngành CNTL vẫn thực hiện quảng cáo, tiếp thị sản phẩm qua nhiều hình thức như cung cấp các cho các cửa hàng tạp hóa nhỏ độc lập các poster quảng cáo, xe đẩy đựng thuốc lá của công ty – các xe được cung cấp miễn phí với thiết kế có áp phích quảng cáo, tên thương hiệu, logo và các màu sắc bắt mắt, hay sử dụng đội ngũ nữ nhân viên tiếp thị, v.v
Sự can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá là thách thức lớn nhất cho việc thực thi các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả.
Bà đánh giá như thế nào về hiệu quả của công tác phòng chống tác hại thuốc lá của Việt Nam nói chung và của tổ chức Healthbridge nói riêng?
Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Thị Hoàng Anh: Việt Nam đã đạt được nhiều dấu mốc quan trọng trong PCTHTL đó là: ban hành Luật PCTHTL vào năm 2012; in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh trên vỏ bao thuốc lá từ 2013; chính sách thuế thuốc lá đã có những chuyển biến như đưa từ 3 mức thuế thuốc lá về một mức thuế suất đồng nhất là 55% vào năm 2006, tăng thuế thuốc lá từ 55% lên 65% vào 2008, và tăng từ 65% lên 70% từ 2016; quảng cáo thuốc lá đã bị cấm toàn diện; các hoạt động tài trợ đã bị hạn chế và cấm đăng tải thông tin tài trợ/từ thiện trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Với những nỗ lực như vậy, Việt Nam cũng đã bước đầu đạt được những chuyển biến tích cực: theo kết quả của cuộc Điều tra toàn cầu về hút thuốc lá ở người trưởng thành (GATS) vào năm 2015 cho thấy: tỷ lệ hút thuốc lá đã giảm nhẹ so với 2010 (tỷ lệ hút thuốc lá chung giảm từ 23,8% xuống 22,5%; tỷ lệ hút thuốc ở nam giới giảm từ 45,3% xuống 47,4%; và ở nữ giới từ 1,4% xuống 1,1%). Tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động đã giảm ở tất cả địa điểm so với năm 2010. Sự cải thiện lớn nhất được thấy ở khu vực giao thông công cộng (giảm từ 33,4% xuống 19,4%), trường đại học (giảm từ 22,3% xuống còn 16,1%), khu vực trong nhà (từ 73,1% xuống 59,9%), và nơi làm việc (từ 55,9% xuống 42,6%). Tuy nhiên, tỷ lệ hút thuốc lá vẫn còn rất cao ở một số nơi trong năm 2015 như ở các quán bar/cà phê (89,1%) và nhà hàng (80,7%).
HealthBridge đã tích cực tham gia vào chương trình PCTHTL từ năm 1995. Chúng tôi đã tham gia vào các hoạt động vận động chính sách (vận động Chính sách Quốc gia về PCTHTL, thành lập cơ quan thường trực PCTHTL quốc gia, vận động Việt Nam tham gia FCTC, vận động ban hành luật PCTHTL, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, quỹ PCTHTL, in cảnh báo sức khỏe, v.v); thực hiện các nghiên cứu để thu thập bằng chứng (nghiên cứu thuốc lá và đói nghèo, nghiên cứu chi phí điều trị cho 5 bệnh liên quan đến thuốc lá,…), giới thiệu các mô hình tốt về PCTHTL tại Việt Nam (mô hình trường học, bệnh viện, nhà hàng, thành phố không khói thuốc). Những thành tựu đạt được trong công tác PCTHTL hiện nay có đóng góp của chúng tôi cũng như rất nhiều các cơ quan, tổ chức, và chúng tôi chúng tôi tự hào về điều đó.