Khi đời sống văn hóa gắn liền với nông thôn mới
Tiết học về trò chơi dân gian của một trường phổ thông dân tộc nội trú. |
Theo Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010-2020 của Ban Chỉ đạo Các chương trình MTQG giai đoạn 2016 – 2020, sau hơn 9 năm triển khai Chương trình MTQG xây dựng NTM, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới được triển khai hiệu quả và đã tạo đựng được môi trường văn hóa lành mạnh, đa sắc màu trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần gìn giữ, bản sắc văn hóa dân tộc; nhiều lễ hội truyền thống lành mạnh được phục hồi và phát triển, nhất là các hoạt động văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời thúc đẩy du lịch phát triển.
Các địa phương đã quan tâm hơn đến nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa cơ sở hoặc theo mô hình xã hội hóa các khu trung tâm thể thao – giải trí, hoặc theo hướng giao cho cộng đồng quản lý, vận hành. Đã hình thành được một số mô hình du lịch làng xã NTM, kết hợp hài hòa giữa giá trị văn hóa, du lịch và kinh tế.
Từng bước, văn hóa không chỉ còn là bảo tồn để duy trì truyền thống, bản sắc của dân tộc mà từng bước trở thành nhân tố tích cực, là động lực và nền tảng cho phát triển kinh tế xã hội của nhiều miền quê trên cả nước.
Thực tế cho thấy, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, góp phần ổn định an ninh chính trị, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, tiến bộ, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giúp người dân nông thôn có điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời góp phần đẩy nhanh tốc độ và nâng cao hiệu quả xây dựng nông thôn mới.
Một trong những địa phương thực hiện tốt phong trào trên là tỉnh Ninh Bình, theo báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh, Sở phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến về tieu chí xây dựng gia đình văn hóa, tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình và vận động người dân tham gia thực hiện xây dựng gia đình văn hóa, gia đình ấm no, hạnh phúc, bình đẳng, tiến bộ.
Hàng năm, số lượng gia đình đăng ký thực hiện và được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa ở khu vực nông thôn được nâng lên trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Phong trào xây dựng “Khu dân cư văn hóa”, xây dựng “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” được Sở Văn hóa và Thể thao cùng các địa phương quan tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện.
Trong đó tập trung vận động nhân dân thực hiện quy ước, hương ước; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng nếp sống văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, an toàn giao thông; thực hiện các nội dung phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, huy động các nguồn lực để xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao; bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao.
Phong trào đã được người dân tích cực tham gia thực hiện huy động được nội lực trong cộng đồng, tạo diện mạo mới trong đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các xã nông thôn mới.
Năm 2018, tỉnh Ninh Bình có 103/118 xã có Nhà Văn hóa (đạt 87,29%), có 97/118 xã có Khu Thể thao (đạt 82,2%); có 1.209/1.325 thôn có Nhà Văn hóa (đạt 91,25%), có 962/1.325 thôn có Khu thể thao (đạt 72,6%).
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới còn bộc lộ một số hạn chế cần khắc phục như: việc tổ chức đánh giá, bình xét công nhận danh hiệu “Khu dân cư văn hóa” tại một số nơi còn mang tính hình thức, chạy theo số lượng, chưa chú trọng đến chất lượng; Thiết chế văn hóa thể thao cấp xã, cấp thôn ở một số địa phương chưa đạt chuẩn về cơ sở vật chất và hoạt động theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.